3. Cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức và cá nhân

Posted on

Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để được cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cần nộp hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật An toàn thực phẩm 2010, Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, Thông tư 67/2021/TT-BTC, Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

1. Khái quát chung

– An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người (theo khoản 1 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010).

– Chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần được kiểm tra kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010.

– Theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đến cơ quan được quy định tại Điều 9 của Thông tư liên tịch này, hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01a quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

+ Bản danh sách các đối tượng đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01b quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã (có dấu xác nhận của tổ chức) (đối với tổ chức);

+ Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân (đối với cá nhân);

+ Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với cá nhân:

  1. a) Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Mẫu số 01a quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
  2. b) Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân;
  3. c) Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

– Phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm là 30.000 đồng/lần/người (theo Thông tư 67/2021/TT-BTC).

2. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm

Nội dung và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm (theo Điều 13 Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT):

– Nội dung kiến thức về an toàn thực phẩm bao gồm kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

– Nội dung kiến thức chung về an toàn thực phẩm bao gồm: Các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; các mối nguy an toàn thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm; phương pháp bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hành tốt an toàn thực phẩm.

– Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế; Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng và ban hành hoặc trình ban hành nội dung cụ thể tài liệu quy định nêu trên và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm cho lĩnh vực quản lý của mỗi Bộ.

– Trường hợp có giao thoa về phân công nhiệm vụ thì Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương xây dựng, ban hành nội dung, tài liệu và bộ câu hỏi đánh giá kiến thức.

Lưu ý:

– Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền lập kế hoạch để xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và gửi thông báo thời gian tiến hành xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân.

– Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được cấp cho những người trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và câu hỏi kiến thức chuyên ngành. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày tham gia đánh giá (ngày kiểm tra) cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận. Mẫu giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Mẫu số 02a quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT (theo Điều 11 Thông tư liên tịch này).

– Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm có hiệu lực 03 năm, kể từ ngày cấp.

– Các cá nhân đã được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm sẽ được thừa nhận khi làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm tương tự (theo Điều 12 Thông tư liên tịch này).

3. Xử phạt vi phạm hành chính

– Hành vi sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (theo điểm đ khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).

– Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng (điểm b khoản 4, khoản 6 Điều 15 Nghị định này).

– Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm (điểm d khoản 5, điểm a khoản 8 Điều 9 Nghị định này).

Kết luận: Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần lưu ý các quy định tại Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, Thông tư 67/2021/TT-BTC, Nghị định 115/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức và cá nhân