4. Đăng ký, đăng ký gia hạn, đăng ký thay đổi, bổ sung phạm vi chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước

Posted on

Doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký/đăng ký gia hạn/đăng ký thay đổi, bổ sung phạm vi chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước cần  thực hiện thủ tục đăng ký cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, Luật An toàn thực phẩm 2010, Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Thông tư 43/2018/TT-BCT, Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Theo các khoản 1, 7 Điều 2, khoản 1 Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010, khoản 3 Điều 3 Thông tư 43/2018/TT-BCT, khoản 1, 5 Điều 2 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT:

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Kiểm nghiệm thực phẩm là việc thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm.

Kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

+ Phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Cơ sở kiểm nghiệm là tổ chức có tư cách pháp nhân thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đánh giá cơ sở kiểm nghiệm là hoạt động xem xét sự phù hợp của hệ thống quản lý chất lượng và năng lực phân tích đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm đối với các chỉ tiêu cụ thể về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước là tổ chức có tư cách pháp nhân được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện một hoặc các hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bổ sung vào thực phẩm, bao gói, dụng cụ, vật liệu chứa đựng thực phẩm.

2. Điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm

– Được thành lập theo quy định của pháp luật; có chức năng kiểm nghiệm thực phẩm hoặc Quyết định giao nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền.

Yêu cầu về năng lực:

+ Hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2007 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005;

+ Có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu kiểm nghiệm và lĩnh vực đăng ký chỉ định;

+ Có ít nhất hai (02) kiểm nghiệm viên là cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học phù hợp với lĩnh vực đăng ký chỉ định được đào tạo và có kinh nghiệm thực tế về kiểm nghiệm trong cùng lĩnh vực từ ba (03) năm trở lên;

+ Các phương pháp thử được cập nhật và xác nhận giá trị sử dụng, năng lực phân tích/kiểm nghiệm các chỉ tiêu/phép thử đăng ký chỉ định đáp ứng quy định hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và các yêu cầu khác có liên quan theo quy định của Bộ quản lý ngành;

+ Kết quả thử nghiệm thành thạo hoặc so sánh liên phòng đạt yêu cầu đối với ít nhất một chỉ tiêu/phép thử đăng ký chỉ định (theo Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT).

Lưu ý:

Theo Điều 19 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT, cơ sở kiểm nghiệm có trách nhiệm:

Thực hiện việc báo cáo định kỳ, đột xuất về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền:

+ Báo cáo định kỳ: Báo cáo hoạt động sáu (06) tháng trước ngày 10 tháng 7 và báo cáo năm trước ngày 30 tháng 12 hằng năm (theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này).

+ Báo cáo đột xuất: Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Báo cáo khi có thay đổi liên quan đến phạm vi hoạt động kiểm nghiệm được chỉ định, trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày có thay đổi. Các nội dung thay đổi phải báo cáo bao gồm:

+ Tư cách pháp nhân;

+ Cơ cấu tổ chức và lãnh đạo;

+ Chính sách và thủ tục;

+ Địa chỉ, điện thoại, Fax, E-mail;

+ Nhân sự, cán bộ chủ chốt, thiết bị, cơ sở vật chất, môi trường làm việc hoặc các nguồn lực khác nếu có tác động đến hệ thống quản lý;

+ Các biện pháp khắc phục khi được yêu cầu theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

– Ngoài việc thực hiện các báo cáo trên, cơ sở kiểm nghiệm còn phải thực hiện các nội dung sau:

+ Đảm bảo độ tin cậy, chính xác của kết quả kiểm nghiệm đối với các phép thử được chỉ định;

+ Chịu sự kiểm tra, giám sát về hoạt động kiểm nghiệm của các đoàn thanh tra trong và ngoài nước khi có sự yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước;

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đánh giá trong quá trình đánh giá tại cơ sở kiểm nghiệm;

+ Chi trả phí, lệ phí cho việc đánh giá, chỉ định, giám sát hoạt động cơ sở kiểm nghiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

– Thực hiện các nghĩa vụ khác quy định tại Điều 20 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, cụ thể:

+ Đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 25 của Luật này (Có tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu chung đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng; Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng; Đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền).

+ Không được từ chối cung cấp dịch vụ khi không có lý do chính đáng.

+ Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức được đánh giá sự phù hợp, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

+ Bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử về xuất xứ hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

+ Bảo đảm trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

+ Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc cấp, cấp lại, mở rộng, thu hẹp phạm vi hoặc tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận sự phù hợp và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy.

+ Chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động đánh giá sự phù hợp.

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá sự phù hợp.

+ Trả tiền phạt cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá trong trường hợp cung cấp sai kết quả đánh giá sự phù hợp. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá, trường hợp các bên không thoả thuận được thì mức phạt do trọng tài hoặc toà án quyết định, nhưng không vượt quá 10 lần chi phí đánh giá.

+ Bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này (Tổ chức đánh giá sự phù hợp cung cấp kết quả sai thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về dân sự. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá sự phù hợp có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp).

3. Đánh giá cơ sở kiểm nghiệm

Theo Điều 10 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT, Đoàn đánh giá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thành lập (theo Điều 3 Thông tư liên tịch này) tiến hành đánh giá tại cơ sở kiểm nghiệm (không áp dụng đối với cơ sở kiểm nghiệm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 6 và điểm a khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch này). Các bước tiến hành đánh giá như sau:

– Đánh giá sự tuân thủ, phù hợp của cơ sở kiểm nghiệm đối với yêu cầu quy định tại Điều 5 của Thông tư liên tịch này;

– Lập Báo cáo đánh giá cơ sở kiểm nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;

– Kết luận của đoàn đánh giá theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Trên cơ sở báo cáo khắc phục của cơ sở kiểm nghiệm, nếu cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét đánh giá tại cơ sở kiểm nghiệm.

Lưu ý:

– Theo Điều 11 Thông tư liên tịch này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp và quản lý mã số cho các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định.

Mã số cơ sở kiểm nghiệm được ký hiệu như sau:

(số thứ tự)/(năm cấp)/BYT-KNTP (BCT-KNTP/BNN-KNTP).

Ví dụ: 001/2011/BYT-KNTP

Cách ghi mã số cơ sở kiểm nghiệm:

+ Mã số cơ sở kiểm nghiệm được trình bày bằng chữ in hoa, phông chữ Times New Roman cỡ chữ 16, kiểu chữ đứng, đậm. Trong đó, số thứ tự của mã số cơ sở kiểm nghiệm gồm ba (03) chữ số.

+ Mã số cơ sở kiểm nghiệm được in ở góc trên bên trái phiếu kết quả kiểm nghiệm. Trên phiếu kết quả kiểm nghiệm cần ghi rõ các chỉ tiêu đã được chỉ định của cơ sở kiểm nghiệm.

Lưu ý chung:

Theo khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định 115/2018/NĐ-CP:

– Các hành vi đưa thông tin sai về năng lực kiểm nghiệm hoặc phạm vi được công nhận chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của cơ sở kiểm nghiệm; không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm không lưu trữ hồ sơ kiểm nghiệm theo quy định bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Kết luận: Tổ chức thực hiện Đăng ký, đăng ký gia hạn, đăng ký thay đổi, bổ sung phạm vi chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước cần lưu ý các quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, Thông tư 43/2018/TT-BCT, Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước

Đăng ký gia hạn chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước

Đăng ký thay đổi, bổ sung phạm vi chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước