18. Thẩm định báo cáo đánh giá an toàn trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ
Việc Thẩm định báo cáo đánh giá an toàn trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ cần phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Năng lượng nguyên tử 2008, Thông tư 04/2016/TT-BKHCN, Thông tư 287/2016/TT-BTC như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Quặng phóng xạ là khoáng sản có chứa chất phóng xạ có tổng hoạt độ hoặc hoạt độ riêng lớn hơn mức miễn trừ khai báo cấp giấy phép theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về an toàn bức xạ – miễn trừ khai báo, cấp giấy phép, bao gồm quặng Urani, quặng Thori, sa khoáng titan, đất hiếm (khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN)
Chất thải phóng xạ trong thăm dò, khai thác quặng phóng xạ là chất thải chứa các nhân phóng xạ có tổng hoạt độ hoặc hoạt độ riêng lớn hơn mức miễn trừ khai báo cấp giấy phép theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về an toàn bức xạ – miễn trừ khai báo, cấp giấy phép (khoản 3 Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN).
2. Phân loại cơ sở thăm dò, khai thác quặng phóng xạ
Căn cứ vào mức liều hiệu dụng tiềm năng một nhân viên làm việc tại cơ sở thăm dò, khai thác quặng phóng xạ nhận được trong một năm, các cơ sở này được phân thành 3 loại như sau (Điều 4 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN):
– Loại A: Cơ sở có khả năng gây nên mức liều hiệu dụng tiềm năng lớn hơn 6 mSv/năm đối với một nhân viên tiến hành công việc thăm dò, khai thác quặng phóng xạ.
– Loại B: Cơ sở có khả năng gây nên mức liều hiệu dụng tiềm năng lớn hơn 1 mSv/năm nhưng nhỏ hơn hoặc bằng 6 mSv/năm đối với một nhân viên tiến hành công việc thăm dò, khai thác quặng phóng xạ.
– Loại C: Cơ sở có khả năng gây nên mức liều hiệu dụng tiềm năng nhỏ hơn hoặc bằng 1 mSv/năm đối với một nhân viên tiến hành công việc thăm dò, khai thác quặng phóng xạ.
3. Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá an toàn bức xạ
3.1. Đối với cơ sở thăm dò, khai thác chế biến quặng phóng xạ loại A và loại B, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá an toàn bức xạ cho các nội dung sau đây (khoản 1 Điều 7 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN):
– Thông tin tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò/khai thác quặng phóng xạ.
– Công việc bức xạ dự kiến tiến hành.
– Đánh giá an toàn bức xạ khi đưa cơ sở vào hoạt động.
– Chương trình quản lý an toàn bức xạ.
– Chương trình quản lý chất thải phóng xạ.
– Kế hoạch tháo dỡ cơ sở và phục hồi môi trường sau khi ngừng hoạt động.
3.2. Đối với cơ sở thăm dò, khai thác chế biến quặng phóng xạ loại C, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá an toàn bức xạ cho các nội dung sau đây (khoản 2 Điều 7 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN):
– Thông tin tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò/khai thác quặng phóng xạ.
– Công việc bức xạ dự kiến tiến hành.
– Đánh giá phân loại cơ sở.
Lưu ý:
– Tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định Báo cáo đánh giá an toàn bức xạ trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ phải lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN (khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2016/TT-BKHCN).
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Các trường hợp vi phạm quy định về lập báo cáo đánh giá an toàn trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ được quy định tại Điều 6 Nghị định 107/2013/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không lập báo cáo đánh giá an toàn trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo đánh giá an toàn không đầy đủ theo quy định sau đây khi tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ.
Kết luận: Việc Thẩm định báo cáo đánh giá an toàn trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ cần phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục theo quy định Luật Năng lượng nguyên tử 2008, Thông tư 04/2016/TT-BKHCN, Thông tư 287/2016/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thẩm định báo cáo đánh giá an toàn trong hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ