2. Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh

Posted on

Trong quá trình hoạt động, các kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân luôn cần phải phê duyệt, vậy phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh diễn ra như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Năng lượng nguyên tử 2008,Thông tư 25/2014/TT-BKHCN, như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất (khoản 3 Điều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 ).

Sự cố bức xạ là tình trạng mất an toàn bức xạ và mất an ninh đối với nguồn phóng xạ. (khoản 1 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử 2008).

Sự cố hạt nhân là tình trạng mất an toàn hạt nhân và mất an ninh đối với vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân (khoản 1 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử 2008).

Kế hoạch ứng phó sự cố là văn bản quy định về các nguyên tắc hoạt động phân công trách nhiệm, cơ chế điều hành và phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố; đánh giá các nguy cơ; đưa ra các quy trình ứng phó sự cố chung (khoản 4 Điều 2 Thông tư 25/2014/TT-BKHCN).

2. Các tình huống phải xây dựng kế hoạch ứng phó

Theo khoản 2 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018), có năm nhóm tình huống có thể xảy ra để xây dựng kế hoạch ứng phó:

Nhóm 1 là nhóm tình huống sự cố không nghiêm trọng do thiết bị bất bình thường hoặc do con người gây ra, nhưng chưa có rò rỉ phóng xạ, chưa gây hại đối với con người;

Nhóm 2 là nhóm tình huống sự cố ít nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, nhưng phát tán không rộng, chưa gây hại đối với con người;

Nhóm 3 là nhóm tình huống sự cố nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người trong cơ sở tiến hành công việc bức xạ;

Nhóm 4 là nhóm tình huống sự cố rất nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán rộng, ảnh hưởng đối với con người và môi trường bên ngoài cơ sở tiến hành công việc bức xạ, phạm vi ảnh hưởng trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Nhóm 5 là nhóm tình huống sự cố đặc biệt nghiêm trọng do thiết bị bị hư hại nặng hoặc do con người gây ra, làm rò rỉ phóng xạ, phát tán mạnh, ảnh hưởng đối với con người và môi trường bên ngoài cơ sở ở diện rộng, phạm vi ảnh hưởng từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc ra ngoài biên giới quốc gia, kể cả sự cố xảy ra ở nước khác có phạm vi ảnh hưởng đến một hoặc nhiều địa phương của Việt Nam.

3. Mức sự cố để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Khi xảy ra sự cố hạt nhân, tùy theo tính chất của sự cố mà sẽ phân ra các mức sự cố để thông báo trên phương tiên thông tin đại chúng, cụ thể theo (khoản 3 Điều 82 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

Sự cố mức 1 là sự kiện bất thường vượt quá quy định, nhưng trong mức độ cho phép;

Sự cố mức 2 là sự cố khi thiết bị bảo vệ bị hư hại hoặc khi nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ nhưng trong giới hạn cho phép;

Sự cố mức 3 là sự cố nghiêm trọng, có rò rỉ chất phóng xạ, người dân bị nhiễm xạ trong giới hạn cho phép;

Sự cố mức 4 là tai nạn, nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ có nguy cơ tử vong, không gây tác hại ở ngoài cơ sở hạt nhân, người dân bị nhiễm xạ trong mức giới hạn cho phép;

Sự cố mức 5 là tai nạn, gây tác hại ở ngoài cơ sở hạt nhân, nhưng chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân không đáng kể, cần thực hiện một số biện pháp ứng phó sự cố;

Sự cố mức 6 là tai nạn nghiêm trọng, chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân một lượng đáng kể, cần thực hiện tất cả các biện pháp ứng phó sự cố;

Sự cố mức 7 là tai nạn rất nghiêm trọng, chất phóng xạ thoát ra ngoài cơ sở hạt nhân rất nhiều, gây tác hại đối với con người và môi trường trên diện rộng

4. Kế hoạch ứng phó sự cố

Kế hoạch ứng phó sự cố được quy định như sau (Điều 83 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

– Kế hoạch ứng phó sự cố gồm có kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở, kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia.

Kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở được áp dụng khi sự cố xảy ra ở các nhóm 1, 2 và 3 như đã nêu ở trên. Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở bao gồm dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra; phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hằng năm.

Kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh được áp dụng khi sự cố xảy ra ở nhóm 4 hoặc trong trường hợp sự cố xảy ra ở các nhóm 1, 2 và 3 nhưng vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở. Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh bao gồm dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra; phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hằng năm.

– Ngoài ra còn có, kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia được áp dụng khi sự cố xảy ra ở nhóm hoặc trong trường hợp sự cố xảy ra ở nhóm 4 nhưng vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh. Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia bao gồm tổ chức bộ máy, dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra, các phương án ứng phó sự cố, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hai năm một lần.

Lưu ý:

– Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở. Cơ quan cấp giấy phép có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh; Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh.

– Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Nguyên tắc cung cấp thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân

Nguyên tắc cung cấp thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân như sau (Điều 85 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

– Thông tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân có khả năng ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh nơi xảy ra sự cố phải được cung cấp kịp thời, trung thực cho người dân trong khu vực.

– Cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân phải bảo đảm tính trung thực, khách quan và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về báo chí.

6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi sự cố xảy ra

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi sự cố xảy ra như sau (Điều 84 Luật Năng lượng nguyên tử 2008):

6.1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:

– Xác định vị trí xảy ra sự cố, xác định sơ bộ nguyên nhân, tính chất và khả năng diễn biến sự cố tương ứng với nhóm tình huống quy định tại Điều 82 của Luật này để áp dụng các biện pháp ứng phó;

– Huy động nhân lực, phương tiện của cơ sở để khắc phục sự cố, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, tổ chức cấp cứu người bị nạn, cô lập nơi nguy hiểm, kiểm soát an ninh;

– Thông báo ngay cho cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi xảy ra sự cố hoặc cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về địa điểm xảy ra sự cố; đánh giá sơ bộ nguyên nhân xảy ra sự cố và ảnh hưởng đối với con người, môi trường;

– Cung cấp thông tin, tài liệu, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

6.2. Bộ, ngành chủ quản, tổ chức cấp trên trực tiếp của tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm:

– Chỉ đạo tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ triển khai kế hoạch ứng phó sự cố;

– Cử ngay cán bộ có thẩm quyền đến nơi xảy ra sự cố để giám sát, đôn đốc ứng phó sự cố;

– Huy động nhân lực, phương tiện của bộ, ngành, tổ chức mình để hỗ trợ ứng phó sự cố trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở;

– Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày xảy ra sự cố thuộc các nhóm 1, 2 và 3, phải thông báo cho Ủy ban nhân dân địa phương, cơ quan công an nơi xảy ra sự cố, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân về các vấn đề liên quan đến sự cố và các biện pháp khắc phục sự cố đã được tiến hành.

– Kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn về sự cố xảy ra thuộc nhóm 4 và nhóm 5 và huy động nhân lực, phương tiện của bộ, ngành, tổ chức mình tham gia ứng phó sự cố theo điều động của Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn;

– Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan điều tra, xác định nguyên nhân sự cố và mức sự cố.

– Phối hợp với Bộ Y tế huy động nhân lực, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn;

– Cung cấp thông tin, tài liệu và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

6.3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

– Tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 4 quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này; kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn và yêu cầu hỗ trợ khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương;

– Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở khi xảy ra sự cố thuộc các nhóm 1, 2 và 3; kịp thời hỗ trợ trong trường hợp sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cấp cơ sở;

– Huy động nhân lực, phương tiện ở địa phương tham gia ứng phó sự cố theo điều động của Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia;

– Kịp thời báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về sự cố xảy ra trên địa bàn;

– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về sự cố xảy ra trên địa bàn.

6.4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

– Chỉ đạo cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện các biện pháp hỗ trợ, huy động nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố; hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập nơi nguy hiểm;

– Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh và kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia;

– Kịp thời báo cáo Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn trong trường hợp sự cố thuộc nhóm 5;

– Xác định nguyên nhân xảy ra sự cố và mức sự cố; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

– Thông báo về sự cố cho quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan và đề nghị trợ giúp quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thông báo sự cố và trợ giúp quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sự cố không gây ảnh hưởng qua biên giới quốc gia.

6.5. Ủy ban quốc gia tìm kiếm – cứu nạn có trách nhiệm:

– Tổ chức thực hiện, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 5;

– Kịp thời hỗ trợ ứng phó sự cố thuộc nhóm 4 khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương.

6.6. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:

  • Huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia khi xảy ra sự cố thuộc nhóm 5;
  • Huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ ứng phó sự cố thuộc nhóm 4 khi sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của địa phương.

6.7. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia; chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan điều tra nguyên nhân sự cố.

6.8. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo về sự cố cho quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan và đề nghị trợ giúp quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về thông báo sự cố và trợ giúp quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sự cố có ảnh hưởng qua biên giới quốc gia.

6.9. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, huy động nhân lực, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.

6.10. Tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cần thiết cho việc khắc phục và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.

11. Lưu ý khi tiến hành thủ tục phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh

Trong trường hợp xảy ra tình huống đặc biệt nghiêm trọng, gây thảm họa lớn, việc ban bố tình trạng khẩn cấp và chỉ đạo ứng phó sự cố được thực hiện theo pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Theo Điều 86 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018)

Kết luận: Khi tiến hành việc hành thủ tục phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh cần phải nộp tại cơ quan có thẩm quyền như người viết đã nêu ở trên. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018), Thông tư 25/2014/TT-BKHCN .

Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp cơ sở, cấp tỉnh