11. Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo trí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị

Posted on

Thủ tục chấp thuận cho phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị là thủ tục quan trọng để phóng viên nước ngoài thường trú hoạt động thông tin, báo chí. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Báo chí 2016, Nghị định 88/2012/NĐ-CP, Thông tư 03/2019/TT-BQP.

1. Một số khái niệm cơ bản

Phóng viên nước ngoài là phóng viên, biên tập viên làm việc cho báo chí nước ngoài (khoản 3 Điều 2 Nghị định 88/2012/NĐ-CP).

Phóng viên nước ngoài thường trú là phóng viên nước ngoài được báo chí nước ngoài cử làm việc tại Văn phòng thường trú theo chế độ phóng viên thường trú tại Việt Nam, sau đây gọi là phóng viên thường trú (khoản 4 điều 2 Nghị định 88/2012/NĐ-CP).

Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử (khoản 1 điều 3 Luật Báo chí 2016).

Hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài tại Việt Nam là các hoạt động thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, quay phim, tiếp xúc, phỏng vấn, thăm địa phương, cơ sở và các hoạt động khác nhằm phục vụ cho việc viết tin, bài, sản xuất phụ trương, đặc san, chuyên san, làm phóng sự về Việt Nam của báo chí nước ngoài, trừ các thể loại phim thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật điện ảnh (khoản 10 điều 2 Nghị định 88/2012/NĐ-CP).

2. Chức năng, quyền hạn của báo chí

Theo quy định tại khoản 2 điều 4 Luật Báo chí 2016 thì báo chí có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

–  Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân.

–  Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

–  Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân.

–  Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

–  Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

3. Hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài

Theo quy định tại Điều 56 Luật Báo chí 2016 ghi nhận về hoạt động của báo chí nước ngoài, phóng viên thường trú như sau:

– Mọi hoạt động báo chí và hoạt động liên quan đến báo chí của cơ quan thông tấn, phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử của nước ngoài chỉ được phép tiến hành sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền và phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

– Phóng viên thường trú được Bộ Ngoại giao cấp thẻ phóng viên nước ngoài, có giá trị không quá 12 tháng, phù hợp với thời hạn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh của phóng viên.

– Hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên thường trú thực hiện theo quy định sau đây:

+ Đối với yêu cầu phỏng vấn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, văn phòng thường trú gửi một bộ hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc fax đến Bộ Ngoại giao đề nghị chấp thuận;

+ Đối với yêu cầu tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Việt Nam, văn phòng thường trú gửi trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc fax một bộ hồ sơ đến các bộ, ban, ngành liên quan đề nghị chấp thuận, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao;

+ Đối với hoạt động thông tin, báo chí tại địa phương của Việt Nam, văn phòng thường trú gửi một bộ hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc fax đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị chấp thuận, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao.

Lưu ý:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 03/2019/TT-BQP Phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam phải đáp ứng các vấn đề sau:

–  Khi phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam có yêu cầu hoạt động thông tin, báo chí tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, thì Văn phòng thường trú gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Tổng cục Chính trị (qua Cục Tuyên huấn), đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao biết để phối hợp.

Khi hoạt động thông tin, báo chí trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, phóng viên phải mang theo văn bản chấp thuận của Tổng cục Chính trị, thẻ phóng viên nước ngoài do Bộ Ngoại giao cấp, hộ chiếu; hoạt động theo đúng mục đích, chương trình ghi trong văn bản chấp thuận của Tổng cục Chính trị và sự hướng dẫn của cán bộ cơ quan, đơn vị.

4. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí

Tùy từng mức độ vi phạm khác nhau mà cơ quan báo chí, tổ chức tham gia hoạt động báo chí bị các hình phạt khác nhau được quy định tại Điều 59 Luật Báo chí 2016 như cảnh cáo, phạt tiền và bị áp dụng biện pháp thu hồi, tịch thu ấn phẩm, băng đĩa ghi âm, ghi hình; đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép trong hoạt động báo chí.

Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập cơ quan báo chí, nhà báo, tác giả tác phẩm báo chí và cá nhân khác có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Lưu ý:

Trường hợp cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định trên còn phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo chí, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Người được cấp thẻ nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo theo quy định tại khoản 6 Điều 28 Luật Báo chí 2016 trong các trường hợp sau đây:

– Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, về hoạt động nghiệp vụ báo chí, thông tin trên báo chí hoặc sử dụng thẻ nhà báo không đúng Mục đích gây hậu quả nghiêm trọng;

– Bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đình chỉ Điều tra, đình chỉ vụ án đối với nhà báo đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên nhà báo đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lại thẻ nhà báo;

– Bị cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị khiển trách hai lần liên tục trong 02 năm theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động;

– Thôi việc nhưng không nộp lại thẻ nhà báo.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo chí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị thì các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Báo chí 2016 , Nghị định 88/2012/NĐ-CP, Thông tư 03/2019/TT-BQP..

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Chấp thuận cho phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoạt động thông tin, báo trí tại các đơn vị quân đội, tiếp xúc, phỏng vấn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị.