1. Cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Posted on

Khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định, cơ sở thực hiện thủ tục để được cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của Nghị định 103/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này như sau:

1. Cơ sở trợ giúp xã hội

Cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (sau đây gọi tắt là cơ sở) (Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

Cơ sở trợ giúp xã hội công lập do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

1.1. Tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của cơ sở quy định tại Điều 4 Nghị định 103/2017/NĐ-CP:

– Cơ sở có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

– Cơ sở có tên gọi bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, biểu tượng riêng (nếu có). Tên và biểu tượng của cơ sở phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của cơ sở khác đã được đăng ký trước đó;

+ Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Trụ sở hoạt động của cơ sở phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam và có địa chỉ cụ thể.

1.2. Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội (Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP)

– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi.

– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật.

– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

– Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.

– Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.

– Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất và nhận lực

2.1. Môi trường và vị trí

Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt (Điều 23 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

2.2. Cơ sở vật chất

Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau (Điều 24 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Diện tích đất tự nhiên: Bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị. Đối với cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, diện tích đất tự nhiên phải đảm bảo tối thiểu 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị, 100 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120 m2/đối tượng ở khu vực miền núi.

– Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 8 m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.

– Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện).

– Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận và sử dụng thuận tiện.

2.3. Nhân viên trợ giúp xã hội

Nhân viên trợ giúp xã hội phải bảo đảm tiêu chuẩn sau đây (khoản 1 Điều 25 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng;

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

– Có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.

Lưu ý:

– Có đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở (khoản 2 Điều 25 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

3. Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau đây (Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thành lập theo quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này; cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

– Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

– Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng.

– Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 26 Nghị định này còn phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực quy định tại Mục 1 Chương IV Nghị định này.

Lưu ý:

Giấy phép hoạt động theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (khoản 1 Điều 27 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax;

– Họ và tên người đứng đầu cơ sở;

– Loại hình cơ sở;

– Địa bàn hoạt động, các nhiệm vụ của cơ sở được cấp phép hoạt động.

4. Cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội trong trường hợp (khoản 2, khoản 3 Điều 27 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Khi thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ sở, người đứng đầu, loại hình cơ sở, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động, cơ sở phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép.

– Trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập phải làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động.

– Khi giấy phép hoạt động bị mất, bị hư hỏng thì cơ sở phải đề nghị cấp lại giấy phép.

5. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh, tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội căn cứ theo quy định của (khoản 1 Điều 28 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với: Cơ sở thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội và cơ quan trung ương của tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trụ sở của cơ sở đặt tại địa phương; Cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với các cơ sở có trụ sở tại địa phương do các tổ chức, cá nhân thành lập mà không thuộc các trường hợp do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Lưu ý:

Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở có trụ sở tại địa phương do các tổ chức, cá nhân thành lập mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 103/2017/NĐ-CP (khoản 2 Điều 28 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

6. Công bố hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động, cơ sở phải công bố việc hoạt động của cơ sở liên tiếp trên 03 số báo nơi cơ sở đặt trụ sở về các nội dung chủ yếu sau đây (khoản 1 Điều 31 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Tên cơ sở bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có);

– Địa chỉ trụ sở, điện thoại, email hoặc website (nếu có);

– Đối tượng phục vụ của cơ sở;

– Loại hình cơ sở;

– Các nhiệm vụ của cơ sở;

– Địa bàn hoạt động;

– Số tài khoản, tên, địa chỉ ngân hàng nơi cơ sở mở tài khoản;

– Họ tên, số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;

– Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm và cơ quan quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

Lưu ý:

– Trường hợp thay đổi quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc giấy phép hoạt động, cơ sở phải công bố nội dung những thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 103/2017/NĐ-CP (khoản 2 Điều 31 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

7. Tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động

7.1. Trong quá trình hoạt động, cơ sở không bảo đảm đủ một trong các điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP thì bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian tối đa 6 tháng để kiện toàn các điều kiện hoạt động (khoản 1 Điều 32 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

7.2. Giấy phép hoạt động bị thu hồi trong các trường hợp sau đây (khoản 2 Điều 32 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):

– Giấy phép hoạt động được cấp cho cơ sở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của pháp luật;

– Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động nhưng cơ sở không hoạt động;

– Cơ sở thay đổi mục đích hoạt động không theo quy định của pháp luật;

– Hết thời hạn tạm đình chỉ mà cơ sở vẫn không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;

– Cơ sở vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động.

Lưu ý:

– Cơ sở phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của đối tượng khi cơ sở bị tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động (khoản 3 Điều 32 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

– Khi phát hiện cơ sở không còn bảo đảm các điều kiện quy định, tùy theo tính chất, mức độ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định 103/2017/NĐ-CP ra quyết định tạm đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động theo quy định trong giấy phép đã cấp (khoản 1 Điều 33 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

– Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quyết định thu hồi giấy phép hoạt động đã cấp (khoản 2 Điều 33 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).

Kết luận: Để được cơ quan có thẩm qyền cấp, cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở phải thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định 103/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP).

Chi tiết thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội

Cấp lại giấy phép hoạt động đối với cơ sở trợ giúp xã hội