19. Trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở

Posted on

Chính sách trợ giúp đột xuất cũng đã và đang được hoàn thiện theo hướng từng bước bảo đảm ổn định đời sống dân sinh và khắc phục một phần hậu quả thiên tai. Để làm rõ vấn đề trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH, Quyết định 1938/QĐ-LĐTBXH , Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội

Theo Điều 3 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, quy định như sau:

– Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng.

–  Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ.

–  Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

2. Đối tượng và mức hỗ trợ

Căn cứ tại khoản 1, 2, 3 Điều 15 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, đối tượng và mức hỗ trợ khi được trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở được quy định như sau:

– Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40.000.000 đồng/hộ.

– Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30.000.000 đồng/hộ.

–  Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20.000.000 đồng/hộ.

3. Một số lưu ý

– Theo khoản 1 Điều 32  Nghị định 20/2021/NĐ-CP, kinh phí thực hiện trợ giúp đột xuất bao gồm:

+ Ngân sách địa phương tự cân đối theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

+ Trợ giúp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho địa phương hoặc thông qua cơ quan, tổ chức.

 Hộ gia đình nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ về nhà ở gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Trình tự xem xét hỗ trợ về nhà ở thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP:

+ Trưởng thôn, bản, phum, sóc, ấp, cụm, khóm, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn) lập danh sách hộ gia đình và số người trong hộ gia đình thiếu đói, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu cần hỗ trợ theo các Mẫu số 5a và 5b ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định cứu trợ ngay những trường hợp cấp thiết. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;

+ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính;

+ Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả hỗ trợ.

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp thì cá nhân sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng;

+ Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người;

+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 10 người trở lên.

Đồng thời, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi các quyết định hưởng chính sách và sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. (khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

Kết luận:

Trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở là một thủ tục quan trọng và cần thiết, được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CPNghị định 130/2021/NĐ-CPThông tư 02/2021/TTLT-BLĐTBXH-BTCQuyết định 1938/QĐ-BLĐTBXH.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thục hiện xem tại đây:

Trợ giúp xã hội đột xuất về hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở