21. Xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật
Xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật được thực hiện theo Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Khái niệm
– Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. (khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010)
– Theo Điều 2 Luật người khuyết tật 2010, dạng tật được quy định như sau:
+ Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
+ Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
+ Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
+ Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
+ Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
+ Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp trên.
– Theo khoản 2 Điều 3 Luật người khuyết tật 2010, mức độ khuyết tật được chia thành các nhóm sau:
+ Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
+ Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
+ Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
2. Xác định, xác định lại mức độ khuyết tật
a. Căn cứ xác định, xác định lại mức độ khuyết tật
Theo Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, xác định mức độ khuyết tật được quy định như sau:
– Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ vào dạng tật, mức độ khuyết tật và quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật, trừ trường hợp sau:
+ Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật 2010, cụ thể là
a) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;
b) Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
c) Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.
+ Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
Lưu ý:
– Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định này có hiệu lực kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật. (khoản 4 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP)
– Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. (khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
– Việc xác định lại mức độ khuyết tật được thực hiện theo đề nghị của người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật. (khoản 1 Điều 20 Luật người khuyết tật 2010)
– Đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hội đồng căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP (điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
– Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật. (khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
– Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật. (khoản 4 Điều 5 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
b. Phương pháp xác định, xác định lại mức độ khuyết tật
Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật. (khoản 1 Điều 17 Luật người khuyết tật 2010)
Lưu ý:
Theo Điều 3 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, cần lưu ý những điểm sau:
– Xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi
Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật theo quy định; phỏng vấn người đại diện hợp pháp của trẻ em và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với trẻ em dưới 6 tuổi” để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
– Xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên
Hội đồng căn cứ hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật, sử dụng phương pháp xác định mức độ khuyết tật theo quy định, phỏng vấn người được xác định mức độ khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật và sử dụng “Phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên” để xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật.
3. Cấp giấy xác nhận khuyết tật
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật người khuyết tật 2010, giấy xác nhận khuyết tật phải bảo đảm đầy đủ các nội dung cơ bản sau:
– Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của người khuyết tật;
– Địa chỉ nơi cư trú của người khuyết tật;
– Dạng khuyết tật;
– Mức độ khuyết tật.
Lưu ý:
– Giấy xác nhận khuyết tật hình chữ nhật, khổ 66 mm x 98 mm, nền màu xanh nhạt, sử dụng kiểu chữ Times New Roman (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001) (khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
– Đối với trường hợp đã được cấp Giấy xác nhận khuyết tật nhưng cơ quan có thẩm quyền kết luận không đúng dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật thì phải thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật. (khoản 3 Điều 8 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
– Đối với trường hợp do Hội đồng thực hiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã niêm yết, thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Trường hợp có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của Hội đồng thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Hội đồng tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo. (khoản 1 Điều 6 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
– Đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật. (khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)
4. Xử lý vi phạm hành chính
Căn cứ tại Điều 17 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, những hành vi vi phạm quy định về xác định mức độ khuyết tật được xử lý như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ phương pháp xác định mức độ khuyết tật, xác định lại mức độ khuyết tật.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng , buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;
+ Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;
+ Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bị kiến nghị tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy xác nhận mức độ khuyết tật đối với hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.
Kết luận: Xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật là một thủ tục quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Khi đó, người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật phải tuân thủ quy định tại Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật