22. Trợ giúp xã hội đột xuất đối với người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc

Posted on

Chính sách trợ giúp đột xuất cũng đã và đang được hoàn thiện theo hướng từng bước bảo đảm ổn định đời sống dân sinh và khắc phục một phần hậu quả thiên tai. Để làm rõ vấn đề trợ giúp xã hội đột xuất đối với người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, Quyết định 1938/QĐ-BLĐTBXH, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Khái niệm, nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội

Người bị thương nặng là người bị thương dẫn đến phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 2 Điều 2 Nghị định 20/2021/NĐ-CP)

Theo Điều 3 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội được quy định như sau:

– Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng.

– Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ.

– Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

2. Điều kiện, mức hỗ trợ đối với người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc

Theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trường hợp người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc do các lý do bất khả kháng khác ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng quyết định hỗ trợ theo mức tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định.

Lưu ý:

– Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) là 360.000 đồng. (khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP)

– Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

3. Xử phạt vi phạm hành chính

Đối với hành vi khai báo gian dối hoặc giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP như sau:

– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 02 người đến dưới 10 người (Khoản 2 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo gian dối để được hưởng trợ giúp xã hội khẩn cấp từ 10 người trở lên (Khoản 3 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP)

Kết luận:

Trợ giúp xã hội đột xuất đối với người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc là một thủ tục rất quan trọng, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống cho đối tượng. Cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị nộp hồ sơ đề nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng, và tuân thủ quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, Quyết định 1938/QĐ-BLĐTBXH. 

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thục hiện xem tại đây:

Trợ giúp xã hội đột xuất đối với người bị thương nặng ngoài nơi cư trú mà không có người thân thích chăm sóc