24. Hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp

Posted on

Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng sẽ được hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc của Nhà nước. Việc hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp được tiến hành theo trình tự thủ tục luật định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH, Nghị định 130/2021/NĐ-CP và Quyết định 1938/2015/QĐ-LĐTBXH  như sau:

1. Quy định chung

Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 20/2021/NĐ-CP bao gồm:

– Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;

– Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

– Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

– Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng là không quá 03 tháng. (Khoản 3 Điều 18 Nghị định 20/2021/NĐ-CP)

Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp theo đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP bao gồm:

–  Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

– Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú.

– Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tối đa không quá 03 tháng, trường hợp quá 3 tháng mà không thể đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng thì cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở trợ giúp xã hội xem xét, quyết định giải pháp phù hợp. (khoản 4 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP)

2. Thủ tục hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp

Chế độ hỗ trợ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại hộ gia đình theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 20/2021/NĐ-CP được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

– Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng: 60.000 đồng/người/ngày.

– Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện như sau:

+ Đối với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Đối với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tương ứng.

–  Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/1 km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê.

3. Xử lý vi phạm

Trong quá trình thực hiện thủ tục hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, người thực hiện có thể bị xử lý vi phạm hành chính nếu có hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Nghị định 130/2021/NĐ-CP. Theo đó:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

– Khai báo gian dối để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm)

– Khai báo gian dối để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng (Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm)

– Khai báo gian dối để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung. (Biện pháp khắc phục hậu quả: Dừng trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung)

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng cần tiến hành theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH, Nghị định 130/2021/NĐ-CP và Quyết định 1938/2015/QĐ-LĐTBX

Chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục xem tại đây:

Hỗ trợ kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp