3. Đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung hoặc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập
Cá nhân, tổ chức muốn đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung hoặc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thì phải thực hiện thủ tục hành chính được quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này như sau:
1. Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập
Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là cơ sở do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội (khoản 2 Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
1.1. Tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng và trụ sở của cơ sở quy định tại Điều 4 Nghị định 103/2017/NĐ-CP:
– Cơ sở có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
– Cơ sở có tên gọi bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, biểu tượng riêng (nếu có). Tên và biểu tượng của cơ sở phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Không trùng lắp hoặc gây nhầm lẫn với tên hoặc biểu tượng của cơ sở khác đã được đăng ký trước đó;
+ Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Trụ sở hoạt động của cơ sở phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam và có địa chỉ cụ thể.
1.2. Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội (Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP)
– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi.
– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật.
– Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
– Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội.
– Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.
– Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
2. Quyền thành lập và quản lí cơ sở ngoài công lập
Quyền thành lập và quản lí cơ sở ngoài công lập quy định tại Điều 14 Nghị định 103/2017/NĐ-CP:
– Tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ thành lập và quản lý cơ sở theo quy định của Nghị định này.
– Tổ chức, cá nhân tự kê khai hồ sơ đăng ký thành lập và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập cơ sở.
– Cơ quan hoặc người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập) chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thành lập, không chịu trách nhiệm về những hoạt động vi phạm pháp luật của cơ sở xảy ra trước và sau đăng ký thành lập.
– Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên của cơ sở với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác trong quá trình hoạt động.
3. Quy chế hoạt động của cơ sở ngoài công lập
Quy chế hoạt động của cơ sở ngoài công lập phải có các nội dung chủ yếu sau đây (khoản 1 Điều 16 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):
– Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax.
– Các nhiệm vụ của cơ sở;
– Vốn điều lệ;
– Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên sáng lập;
– Quyền và nghĩa vụ của thành viên sáng lập;
– Cơ cấu tổ chức quản lý;
– Người đại diện theo pháp luật của cơ sở;
– Thể thức thông qua quyết định của cơ sở; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
– Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho cán bộ và nhân viên tại cơ sở;
– Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu cơ sở mua lại phần vốn góp;
– Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ;
– Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản của cơ sở;
– Thể thức sửa đổi, bổ sung Quy chế của cơ sở.
Lưu ý:
– Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở khi đăng ký thành lập phải có họ, tên và chữ ký của các sáng lập viên (khoản 2 Điều 16 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
– Quy chế hoạt động của cơ sở được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của các sáng lập viên (khoản 3 Điều 16 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
4. Điều kiện, nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập
4.1. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập (khoản 1 Điều 18 Nghị định 103/2017/NĐ-CP)
– Tên của cơ sở được đặt theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định 103/2017/NĐ-CP;
– Có hồ sơ đăng ký thành lập hợp lệ quy định tại Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP.
4.2. Giấy chứng nhận đăng ký thành lập (khoản 2 Điều 18 Nghị định 103/2017/NĐ-CP)
Giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở có nội dung chính theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này:
– Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, số fax;
– Họ và tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;
– Loại hình cơ sở;
– Các nhiệm vụ của cơ sở (Ghi cụ thể một nhiệm vụ hay nhiều nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Nghị định 103/2017/NĐ-CP);
– Vốn điều lệ; vốn của doanh nghiệp thành lập (Vốn đầu tư);
– Thông tin đăng ký thuế.
5. Đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập
– Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
– Khi thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở phải đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
6. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập
Cơ sở bị thu hồi giấy chứng, nhận đăng ký thành lập trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 21 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):
– Giấy chứng nhận đăng ký thành lập được cấp cho cơ sở không đúng quy định của pháp luật;
– Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập nhưng cơ sở chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
– Cơ sở phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho đối tượng, người lao động và các bên liên quan khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập (khoản 2 Điều 21 Nghị định 103/2017/NĐ-CP).
7. Giải thể cơ sở
Cơ sở bị giải thể trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 22 Nghị định 103/2017/NĐ-CP):
– Cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập;
– Cơ sở không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật và có kiến nghị của cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương;
– Tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập cơ sở có đơn đề nghị giải thể;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
8. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập quy định tại Điều 19 Nghị định 103/2017/NĐ-CP:
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương.
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, có trụ sở chính đặt tại địa phương.
Kết luận: Đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung hoặc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập là thủ tục hành chính mà tổ chức, cá nhân khi thực hiện phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP).
Chi tiết thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung hoặc cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập