7. Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm

Posted on

Việc Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm cần phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH, Thông tư 14/2018/TT-BLĐTBXH như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Hộ nghèo, hộ cận nghèo là hộ gia đình qua điều tra, rà soát hằng năm ở cơ sở đáp ứng các tiêu chí về xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH).

Hộ nghèo phát sinh, hộ cận nghèo phát sinh là hộ không thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo địa phương đang quản lý nhưng phát sinh khó khăn đột xuất trong năm (theo quy định chi tiết tại Phụ lục số 1a ban hành kèm theo Thông tư này), qua điều tra, rà soát hằng năm ở cơ sở đáp ứng các tiêu chí về xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn (khoản 4 Điều 2 Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH).

2. Tiêu chí để được công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo

Hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 phải đáp ứng những tiêu chí quy định tại Điều 2 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg như sau:

2.1 Hộ nghèo

Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

2.2 Hộ cận nghèo

Khu vực nông thôn: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Khu vực thành thị: là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Lưu ý: Mức chuẩn nghèo như trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020 (khoản 1 Điều 3 Quyết định 59/2015).

3. Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh hàng năm

– Thời điểm tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm được thực hiện từ ngày 01 tháng 9 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm (khoản 1 Điều 4 Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH).

– Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên được thực hiện tại thời điểm hộ gia đình có giấy đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp xã (có xác nhận của trưởng thôn) cho trường hợp hộ gia đình phát sinh khó khăn đột xuất trong năm cần được bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để có thể tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước (khoản 2 Điều 4 Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH).

Kết luận:  Thủ tục Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm được quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH, Thông tư 14/2018/TT-BLĐTBXH .

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mâu, thực hiện tại đây

Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm