8. Công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
Để thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật thì cá nhân, tổ chức phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật dựa trên những quy định Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17-09-2018, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật Quốc Hội, Nghị định 66/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, Thông tư 33/2021/TT-BTC, Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Các khái niệm
- Thực vật là cây và sản phẩm của cây (Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
- Bảo vệ thực vật là hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật (Khoản 2 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
- Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc (Khoản 16 Điều 3 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
- Khảo nghiệm hiệu lực sinh học là xác định hiệu lực phòng, trừ sinh vật gây hại hoặc điều hòa sinh trưởng đối với cây trồng (bao gồm cả sự an toàn đối với cây trồng) (Khoản 1 Điều 3 TT 21/2015/ TT-BNNPTNT).
- Khảo nghiệm xác định thời gian cách ly là xác định thời gian (tính bằng đơn vị ngày) từ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối đến khi thu hoạch sản phẩm mà người sử dụng thuốc phải thực hiện để đảm bảo an toàn thực phẩm (Khoản 2 Điều 3 TT21/2015/TT-BNNPTNT).
- Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật (Khoản 5 Điều 3 TT 21/2015/ TT-BNNPTNT).
- Thuốc bảo vệ thực vật hóa học là loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hoạt chất là các chất hóa học vô cơ hoặc hữu cơ tổng hợp (Khoản 6 Điều 3 TT 21/2015/ TT-BNNPTNT).
- Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trong các trường hợp (Điều 18 TT21/2015/TT-BNNPTNT)
- Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật chỉ được tiến hành khi có Giấy phép khảo nghiệm.
- Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật nhằm mục đích đăng ký vào Danh mục gồm khảo nghiệm hiệu lực sinh học và khảo nghiệm xác định thời gian cách ly (đối với các trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 9 của Thông tư này).
Lưu ý:
- Căn cứ thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), các Tiêu chuẩn cơ sở (TC) của Cục Bảo vệ thực vật.
- Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật để đăng ký vào Danh mục phải do các tổ chức đủ điều kiện quy định tại Điều 20 của Thông tư này thực hiện.
- Khảo nghiệm diện hẹp phải tiến hành trước khi thực hiện khảo nghiệm diện rộng.
2. Thực hiện khảo nghiệm tiến hành theo ( Điều 19 TT 21/2015/TT-BNNPTNT)
Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đối với 01 đối tượng sinh vật gây hại trên 01 đối tượng cây trồng nhằm mục đích đăng ký như sau:
-
- Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc bảo vệ thực vật sinh học (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này); thuốc bảo vệ thực vật hóa học đăng ký bổ sung phạm vi sử dụng, thay đổi liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thành phẩm, thay đổi hàm lượng hoạt chất gồm 04 khảo nghiệm diện rộng, cụ thể:
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại có tại 02 vùng sản xuất (phía Bắc và phía Nam), mỗi vùng khảo nghiệm tại 02 địa điểm (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh) hoặc 02 huyện/tỉnh (trong trường hợp cây trồng hoặc sinh vật gây hại chỉ có tại 01 tỉnh của vùng sản xuất).
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại chỉ có tại 01 vùng hoặc 01 tỉnh, khảo nghiệm tại 04 địa điểm của vùng (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh của vùng) hoặc 04 địa điểm của tỉnh (tại ít nhất 02 huyện của tỉnh đó).
- Khảo nghiệm hiệu lực sinh học của thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứa hoạt chất pyrethrins, rotenone, nhóm avermectin đăng ký chính thức, bổ sung tên thương phẩm gồm 08 khảo nghiệm diện hẹp và 02 khảo nghiệm diện rộng. Nếu cây trồng hoặc sinh vật gây hại chỉ có tại 01 vùng sản xuất, số khảo nghiệm gồm 06 khảo nghiệm diện hẹp và 02 khảo nghiệm diện rộng, cụ thể:
- Khảo nghiệm diện hẹp
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại có ở 02 vùng sản xuất (phía Bắc và phía Nam), mỗi vùng khảo nghiệm tại 04 địa điểm (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh). Trường hợp không đủ 04 tỉnh sản xuất tại mỗi vùng thì mỗi vùng khảo nghiệm tại 04 địa điểm (mỗi địa điểm tại 01 huyện của vùng đó).
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại có ở 01 vùng sản xuất, khảo nghiệm tại 06 địa điểm (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh hoặc 01 huyện trong vùng).
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại chỉ có tại 01 tỉnh sản xuất, khảo nghiệm tại 06 địa điểm của ít nhất 03 huyện trong tỉnh đó.
- Đối với thuốc trừ cỏ trên lúa phải được thực hiện khảo nghiệm trong 02 vụ khác nhau.
- Khảo nghiệm diện rộng
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại có tại 02 vùng sản xuất (phía Bắc và phía Nam), mỗi vùng khảo nghiệm tại 01 địa điểm.
- Đối với cây trồng hoặc sinh vật gây hại chỉ có tại 01 vùng sản xuất, khảo nghiệm tiến hành tại 02 địa điểm của vùng (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh của vùng) hoặc 02 địa điểm của tỉnh (mỗi địa điểm tại 1 huyện nếu sinh vật gây hại chỉ có ở 01 tỉnh).
- Khảo nghiệm xác định thời gian cách ly đối với 01 hoạt chất trên 01 đối tượng cây trồng gồm 04 khảo nghiệm diện rộng, cụ thể:
- Đối với cây trồng có nhiều vụ/năm tại 02 vùng sản xuất (phía Bắc và phía Nam), mỗi vùng khảo nghiệm tại 02 địa điểm (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh, mỗi tỉnh 01 vụ hoặc mỗi địa điểm tại 01 huyện của vùng đó, mỗi huyện 01 vụ).
- Đối với cây trồng có nhiều vụ/năm tại 01 vùng sản xuất khảo nghiệm tại 04 địa điểm (02 địa điểm /vụ; mỗi địa điểm tại 01 tỉnh hoặc 01 huyện của vùng đó).
- Đối với cây trồng chỉ có 01 vụ/năm, tại 02 vùng sản xuất (phía Bắc và phía Nam), mỗi vùng khảo nghiệm tại 02 địa điểm (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh hoặc mỗi địa điểm tại 01 huyện của vùng đó).
- Đối với cây trồng chỉ có 01 vụ/năm và chỉ có tại 01 vùng sản xuất, thì khảo nghiệm tại 04 địa điểm của vùng (mỗi địa điểm tại 01 tỉnh của vùng) hoặc 04 địa điểm của tỉnh (tại ít nhất 02 huyện).
3. Tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật ( Điều 22 TT 21/2015/TT-BNNPTNT)
3. 1 Nội dung tập huấn
- Các quy định của pháp luật hiện hành về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
- An toàn trong bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;
- Quy trình khảo nghiệm hiệu lực sinh học và khảo nghiệm xác định thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật;
- Xử lý số liệu, lưu giữ số liệu, báo cáo kết quả khảo nghiệm.
3.2 Đăng ký, tổ chức tập huấn
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với Cục Bảo vệ thực vật.
Lưu ý:
- Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo nội dung quy định tại khoản 1 Điều 22 TT 21/2015/T-BNNPTNT. Thời gian tập huấn là 04 ngày.
- Căn cứ kết quả kiểm tra sau khi tập huấn, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XIIIban hành kèm theo Thông tư này.
4. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (Điều 50 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật hướng dẫn bới TT 21/2015/TT-BNNPTNT)
-
- Được cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;
- Được thu phí khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định;
- Khiếu nại quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải khách quan, chính xác;
- Tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm;
- Lưu giữ toàn bộ số liệu thô của khảo nghiệm tối thiểu 05 năm kể từ ngày khảo nghiệm kết thúc;
- Chịu sự kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm của cơ quan có thẩm quyền;
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm (Điều 24 TT21/2015/TT-BNNPTNT)
- Cung cấp cho tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm Giấy phép khảo nghiệm, Tờ khai thông tin thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục VIIIban hành kèm theo Thông tư này và thuốc mẫu khảo nghiệm (đúng chủng loại, hàm lượng hoạt chất, dạng thuốc được ghi trong Giấy phép khảo nghiệm; đủ số lượng để khảo nghiệm và lưu mẫu; được đóng gói trong bao bì kín, được niêm phong của tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm).
- Ký hợp đồng và trả phí khảo nghiệm theo quy định hiện hành.
- Trường hợp thuốc khảo nghiệm gây ảnh hưởng xấu đối với cây trồng, con người và môi trường thì tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định dựa trên Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17-09-2018, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật Quốc Hội, Nghị định 66/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, Thông tư 33/2021/TT-BTC, Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trình tự thủ tục thực hiện vui lòng xem tại: Thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.