4. Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (cấp TW)
Dựa trên những quy định tại Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định 41/2016/NĐ-CP quy định chi tiết việc cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (cấp TW) , Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin về việc cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (cấp TW).
1. Điều kiện được cấp phép nghiên cứu khoa học vùng biển Việt Nam
Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 quy định Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của nước nơi tổ chức được thành lập; tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ; cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước nơi cá nhân mang quốc tịch;
– Có nhu cầu nghiên cứu khoa học độc lập hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với phía Việt Nam; đối với trường hợp nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam thì phải có sự hợp tác với phía Việt Nam khi Việt Nam có yêu cầu;
– Hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không gây phương hại đến chủ quyền quốc gia, hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam; không gây ô nhiễm môi trường biển; không cản trở các hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong vùng biển Việt Nam;
– Có đủ hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.
2. Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam
– Hồ sơ yêu cầu cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 41/2016/NĐ-CP.
– Trình tự cấp phép nghiên cứu khoa học trung vùng biển Việt Nam được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 41/2016/NĐ-CP.
3. Thẩm quyền cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.
– Khoản 2 Điều 19 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 quy định Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam sau khi lấy ý kiến các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan và thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho bộ, ngành và địa phương có liên quan để phối hợp quản lý.
– Khoản 3 Điều 19 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 quy định Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nghiên cứu khoa học có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép.
4. Các trường hợp từ chối cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam
– Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài không vì mục đích hòa bình; làm phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, hoạt động quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam; làm phương hại đến trật tự, an toàn trên biển; hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.
– Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
– Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài có xây dựng đảo nhân tạo, công trình trên biển.
– Thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp không chính xác hoặc thông tin về mục tiêu, nội dung của hoạt động nghiên cứu khoa học không phù hợp với sự thực hiển nhiên.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đã được cấp phép trước đây để tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
– Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài có khoan ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép thực hiện.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam; nghiên cứu khoa học có khoan ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển không hợp tác nghiên cứu khoa học với phía Việt Nam khi Việt Nam có yêu cầu.
(Điều 4 Nghị định 41/2016/NĐ-CP)
Kết luận: Khi tiến hành cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (cấp TW), các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định 41/2016/NĐ-CP.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam (cấp TW)