16. Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát
Trong quá trình làm việc hoặc do tính chất công việc dẫn đến người lao động bị tai nạn lao động hay bị bệnh nghề nghiệp nhưng sau đó lại tái phát thì người lao động sẽ được hưởng các chế độ theo quy định. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Nghị định 88/2020/NĐ-CP, Thông tư 52/2016/TT-BYT.
1. Khái niệm
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động (khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
2. Điều kiện hưởng chế độ
Tai nạn lao động
Người lao động bị tai nạn lao động khi đáp ứng điều kiện như sau quy định tại Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 sẽ được hưởng chế độ tại nạn lao động:
– Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
– Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
– Bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
Lưu ý: Điều kiện kèm theo là người lao động phải suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn
Bệnh nghề nghiệp
Người lao động bị bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây theo quy định tại Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì sẽ được hưởng chế độ theo quy định:
– Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh.
Lưu ý: Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp (khoản 2 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)
3. Các hành vi bị cấm
Bên cạnh các điều kiện về hưởng chế độ thì người sử dụng lao động còn phải tuân theo quy định tại Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau cấm:
– Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
– Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
Lưu ý: Cấm trong trường hợp phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
Khi người lao động trong quá trình làm việc bị tai nạn lao động hoặc do tính chất công việc bị bệnh nghề nghiệp thi theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, Vệ sinh lao động 2015 người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau:
– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp
– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp
– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra
– Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động
– Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
– Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
Lưu ý: Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động nguyên nhân do:
– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
– Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Kết luận: Người sử dụng lao động trong quá trình thuê người lao động phải tuân thủ những trách nhiệm và không được làm những hành vi mà pháp luật cấm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động. Cả 2 bên đều phải tuân thủ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Nghị định 88/2020/NĐ-CP, Thông tư 52/2016/TT-BYT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát