18. Giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Posted on

Trong giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cần nắm rõ điều kiện để được cấp tiền theo quy định của Pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Thông tư 136/2020/TT-BQP, Thông tư 15/2016/TT-BYT, Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH như sau.

1. Khái niệm

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động”. Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT (khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (điểm c khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và niên hạn bao gồm (khoản 2 Điều 8 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH):

– Tay giả;

– Máng nhựa tay;

– Chân giả;

– Máng nhựa chân;

– Một đôi giày hoặc một đôi dép chỉnh hình;

– Nẹp đùi, nẹp cẳng chân;

– Áo chỉnh hình;

– Xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế bằng mức tiền cấp mua xe lăn hoặc xe lắc;

– Nạng;

– Máy trợ thính;

– Lắp mắt giả;

– Làm răng giả theo số răng bị mất; lắp hàm giả do hỏng hàm;

– Mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt đối với trường hợp bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn hoặc bị tâm thần thể kích động.

Trường hợp vừa bị thể tâm thần kích động đồng thời bị liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn chỉ được cấp một lần tiền để mua các đồ dùng sinh hoạt;

– Trường hợp cấp xe lăn hoặc xe lắc đồng thời cấp chân giả thì thời hạn sử dụng của mỗi phương tiện là 06 năm.

2. Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm (khoản 1 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP):

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân;

– Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là người làm công tác cơ yếu).

Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm (khoản 2 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP):

– Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân;

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

3. Điều kiện được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo khoản 1 Điều 51 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khoản 1 Điều 8 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH, điều kiện được cấp tiền quy định như sau:

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên (gọi tắt là cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng).

4. Mức tiền cấp và niên hạn cấp

Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXHPhụ Lục I Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định mức tiền cấp và niên hạn cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình

Việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (bao gồm cả tiền mua vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện) cho cả niên hạn sử dụng được thực hiện cùng một lần (khoản 3 Điều 8 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH).

5. Hồ sơ giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ Điều 17 Thông tư 136/2020/TT-BQP quy định về hồ sơ bao gồm:

Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc, thực hiện như sau:

– Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN do cơ quan nhân sự quản lý.

– Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chính hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu và tương đương trở lên (gọi tắt là cơ sở chính hình và phục hồi chức năng).

– Quyết định về việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (Mẫu số 03G-HBQP).

Kết luận: Như vậy, Cơ quan Bảo hiểm xã hội, trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, ra quyết định cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trường hợp giấy tờ nộp không hợp lệ thì trong thời gian 03 ngày làm việc phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do kèm theo toàn bộ giấy tờ đã nộp cho người đề nghị theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Thông tư 136/2020/TT-BQP, Thông tư 15/2016/TT-BYT, Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp