2. Giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ (bao gồm cả lao động nữ mang thai hộ) đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai
Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn có trách nhiệm trong việc giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ (bao gồm cả lao động nữ mang thai hộ) trong trường hợp đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị quyết 93/2015/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Thông tư 181/2016/TT-BQP như sau:
1. Đối tượng hưởng chế độ thai sản
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản bao gồm (Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP):
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân;
– Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là người làm công tác cơ yếu).
2. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thì:
– Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
3. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau (khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
– 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
– 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
– 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
– 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Lưu ý:
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần (khoản 2 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Lưu ý:
Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH quy định:
– Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết lưu thì chế độ thai sản được giải quyết đối với con còn sống. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
– Trường hợp tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 đối với từng thai chết lưu, không tính trùng thời gian hưởng.
4. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau (khoản 1 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
– 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
– 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
Lưu ý:
– Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần (khoản 2 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
5. Mức hưởng chế độ thai sản
Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, Điều 33, Điều 37 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau (khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn (điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).
Ví dụ: Đồng chí Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Anh, sinh con ngày 20 tháng 01 năm 2016, có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng liền kề gần nhất trước khi sinh con như sau:
– Từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 9 năm 2015 (02 tháng): Thiếu úy QNCN, hệ số lương 3,70; phụ cấp thâm niên nghề 10%;
– Từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 01 năm 2016 (04 tháng): Trung úy QNCN, hệ số lương 3,95; phụ cấp thâm niên nghề 10%;
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của đồng chí Anh được tính như sau:
(1.150.000 x 3,70 x 1,10 x 2th) + (1.150.000 x 3,95 x 1,10 x 4th) | = 4.891.333 đ/tháng |
6 tháng |
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của đồng chí Anh là 4.891.333 đồng/tháng.
Lưu ý:
– Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản ngay trong tháng đầu tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó (điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).
Lưu ý:
– Trong thời gian hưởng chế độ thai sản, nếu Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở hoặc người lao động được phong, thăng quân hàm, nâng lương, tăng phụ cấp thâm niên nghề hoặc thâm niên vượt khung thì mức hưởng chế độ thai sản của người lao động vẫn tính theo mức bình quân tiền lương làm căn cứ tại thời điểm bắt đầu tính hưởng chế độ thai sản (khoản 4 Điều 10 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).
Ví dụ: Đồng chí Thượng úy QNCN Nguyễn Hải Vân, nhân viên Văn thư (hệ số lương 4,70; phụ cấp thâm niên nghề 13%); có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13 năm 02 tháng; ngày 15 tháng 3 năm 2016 đồng chí Vân sinh con, thời gian hưởng chế độ thai sản của đồng chí Vân được tính từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 14 tháng 9 năm 2016.
Tiền lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi đồng chí Vân sinh con là 6.107.650 đồng. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên mức 1.210.000 đồng thì mức hưởng trợ cấp thai sản từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 14 tháng 9 năm 2016 đối với đồng chí Vân vẫn tính theo mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi sinh con là 6.107.650 đồng (với mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng).
6. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
6.1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33 của Luật Bảo hiểm xã hôi 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước (khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Lưu ý:
– Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó (khoản 3 Điều 11 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH)
6.2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định như sau (khoản 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):
– Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
– Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
– Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
6.3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Lưu ý:
– Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (khoản 4 Điều 11 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH)
7. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ
7.1. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định:
– Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
7.2 Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau (khoản 2 Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP):
– 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
– 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
– 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
– 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Lưu ý:
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần (khoản 2 Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này lao động nữ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội (khoản 6 Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP).
7.3. Các chế độ được hưởng
Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định:
– Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;
– Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
– Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.
Lưu ý:
– Trường hợp lao động nữ mang thai hộ là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, nữ làm công tác cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời Điểm sinh và có đủ Điều kiện theo quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn được hưởng chế độ thai sản quy định tại Điểm a, b Khoản 3 và Khoản 5 Điều này; thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (khoản 7 Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP).
Kết luận: Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động hoàn thành việc giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ bao gồm cả lao động nữ mang thai hộ) đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: