5. Giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh con hoặc chồng của lao động nữ mang thai hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH
Lao động nam có vợ sinh con hoặc chồng của lao động nữ mang thai hộ trong trường hợp có đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 93/2015/QH13 như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình (khoản 6 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm:
– Lao động nữ mang thai;
– Lao động nữ sinh con;
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
– Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Lưu ý:
Lao động nam chỉ hưởng chế độ thai sản đối với vợ sinh con hoặc mang thai hộ trong trường hợp đang đóng bảo hiểm xã hội
3. Quy định về chế độ thai sản
Trường hợp vợ của lao động nam sinh con thì theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người chồng được hưởng chế độ thai sản như sau:
– Nghỉ việc 05 ngày
– Nghỉ việc 07 ngày khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
– Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
– Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như đối với chồng của lao động nữ sinh con
Lưu ý:
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
– Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định. Mặt khác, trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.(khoản 4 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
– Ngoài ra, trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
4. Thẩm quyền giải quyết
Lao động nam khi đáp ứng các điều kiện về hưởng thai sản thì nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể được giải quyết như sau:
– Người lao động khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì nộp cho người sử dụng lao động
– Trong thời hạn 10 ngày người sử dụng lao động sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội
– Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết trong thời hạn 10 ngày
Lưu ý:
– Trường hợp vượt quá thời hạn được quy định thì phải giải trình bằng văn bản.
– Trường hợp nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người lao động hoặc thân nhân của người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
5. Xử phạt vi phạm hành chính
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi vi phạm các quy định về hưởng chế độ thì căn cứ theo Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP sẽ bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi: Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội làm giả, làm sai lệch nội dung.
Lưu ý:
Bên cạnh đó, khi vi phạm còn buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể: Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội đã nhận.
Kết luận: Lao động nam khi có vợ sinh con hoặc vợ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 93/2015/QH13
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây: