10. Xử lý hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Để đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì Doanh nghiệp phải gửi Hồ sơ đến Chi cục Hải quan có thẩm quyền. Trong bài viết dưới đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ làm rõ trình tự thủ tục xử lý hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Luật 50/2005/QH11, Luật 54/2014/QH13, Luật 36/2009/QH12, Thông tư số 13/2015/TT-BTC, Thông tư số 13/2020/TT-BTC như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản:
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng (Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009).
Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan (khoản 6 Điều 4 Luật 54/2014/QH13).
Đơn đề nghị bao gồm: Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Đơn đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điểm c Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BTC).
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều 73, 74, 75, 76 Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan (khoản 2 Điều 3 Thông tư 13/2015/TT-BTC).
Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chinh (khoản 3 Điều 3 Thông tư 13/2015/TT-BTC).
2. Quy định về tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay, vấn đề này được điều chỉnh tại các Điều 9, Điều 10 Thông tư số 13/2015/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 13/2020/TT-BTC.
Một số yếu tố trong Thủ tục xử lý hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có sự thay đổi như sau:
– Cách thức thực hiện: Doanh nghiệp thực hiện việc nộp Hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hàng hóa đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan.
– Thành phần hồ sơ:
2.1 Trường hợp Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) chưa chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan gồm:
– Hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;
– Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo mẫu số 02 – ĐTD/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
– Chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc khoản tiền đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan;
– Chứng từ nộp phí hải quan theo tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.
Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng hoặc bị lỗi, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp nộp 01 bộ hồ sơ giấy gồm các chứng từ quy định tại Điều này cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan. Chứng từ tại điểm b, c khoản này là bản chính, chứng từ tại điểm d khoản này là bản chụp có ký tên, đóng dấu xác nhận của người nộp Đơn đề nghị.
2.2 Trường hợp Tổng cục hải quan đã có văn bản thông báo chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát thì Hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo mẫu số 02 – ĐTD/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
– Chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc khoản tiền đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan;
– Chứng từ nộp phí hải quan theo tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.
2.3 Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan:
Mười ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể gia hạn với điều kiện người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan. Thời hạn gia hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm dừng.
3. Quy trình xử lý hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
3.1 Doanh nghiệp nộp Hồ sơ đề nghị Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện nếu Hệ thống bị lỗi, không đáp ứng) -> Sau 02 giờ kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ, nếu chấp nhận Đơn đề nghị, Chi cục Hải quan nơi đang thực hiện thủ tục hải quan tiếp nhận, xử lý đơn, ra quyết định tạm dừng trực tiếp hoặc thủ bảo đảm, đồng thời fax ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan -> Nếu không chấp nhận Đơn đề nghị thì Chi cục hải quan phải có văn bản thông báo trả lời.
3.2 Các trường hợp Chi cục Hải quan nơi đang làm thủ tục hải quan từ chối tiếp nhận Đơn đề nghị quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 13/2015/TT-BTC:
– Chi cục hải quan không giải quyết thủ tục hải quan đối với lô hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan;
– Cơ quan hải quan có cơ sở khẳng định người nộp đơn không đủ tư các pháp lý nộp đơn theo quy định của pháp luật;
– Người nộp đơn không cung cấp đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 9 Thông tư 13/2015/TT-BTC.
3.3 Trong thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan quyết định tạm dừng có trách nhiệm thực hiện các công việc như sau (khoản 3 Điều 10 Thông tư 13/2015/TT-BTC):
– Yêu cầu chủ hàng, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự….).
– Trưng cầu giám định tại tổ chức chuyên môn nghiệp vụ hải quan hoặc các tổ chức giám định khác theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ để xác định các dấu hiệu xâm phạm về sở hữu trí tuệ.
– Đề nghị các tổ chức, cá nhân lấy mẫu để giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ. Thủ tục lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu, nơi lưu mẫu, thời gian lưu mẫu của hàng hóa thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ Tài chính.
– Tiến hành việc giám định bổ sung, giám định lại theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Chính phủ.
– Phối hợp, trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
– Báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để chỉ đạo giải quyết kịp thời trong trường hợp lô hàng tạm dừng có giá trị lớn; hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng; vụ việc có liên quan đến nhiều địa phương, các cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế; vụ việc có phát sinh tranh chấp, khiếu nại liên quan về chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.
Kết luận: Khi Xử lý hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật 50/2005/QH11, Luật 54/2014/QH13, Luật 36/2009/QH12, Thông tư số 13/2015/TT-BTC, Thông tư số 13/2020/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: