4. Thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan
Công dân cần đăng ký dự thi để được Tổng cục Hải quan cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Hải quan 2014, Thông tư 12/2015/TT-BTC, Thông tư số 22/2019/TT-BTC.
1. Thời gian, địa điểm thi
Thời gian, địa điểm thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan được quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC như sau:
– Việc thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan được tổ chức ít nhất một năm một lần; có thể tổ chức thi theo khu vực, địa phương đảm bảo số lượng người đăng ký dự thi.
– Thông tin về thời gian, địa điểm nộp hồ sơ; thời gian, địa điểm thi và các thông tin khác liên quan đến kỳ thi được Tổng cục Hải quan thông báo chính thức trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố; báo Hải quan điện tử; niêm yết tại trụ sở Cục Hải quan tỉnh, thành phố và gửi qua hộp thư điện tử của người đăng ký dự thi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan chậm nhất là 60 ngày trước ngày thi.
Lưu ý:
Tổng cục Hải quan xây dựng quy chế thi, thành lập Hội đồng thi và tổ chức thi tại các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc theo cụm bao gồm một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố để tạo thuận lợi cho người dự thi.(Khoản 5 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC)
2. Các môn thi
Các môn thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC bao gồm 3 môn sau đây:
– Môn thứ nhất: Pháp luật về Hải quan.
Bao gồm các nội dung về Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, các Luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các Nghị định quy định chi tiết thi hành; Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực Hải quan.
– Môn thứ hai: Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương.
Bao gồm các nội dung về giao nhận vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, thanh toán quốc tế.
– Môn thứ ba: Kỹ thuật nghiệp vụ hải quan.
Bao gồm các nội dung về thủ tục hải quan, phân loại hàng hóa, trị giá hải quan, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ và chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Các trường hợp miễn thi
Về cơ sở xét miễn thi, tiết c điểm 7 khoản 1 Điều 1 Thông tư số 22/2019/TT-BTC có nêu rõ:
– Ngành đào tạo ghi trên bằng tốt nghiệp hoặc chuyên ngành đào tạo ghi trên văn bản ghi kết quả học tập phù hợp với chuyên ngành quy định tại tiết a.1 điểm a và tiết b.1 điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư số 22/2019/TT-BTC.
– Văn bản xác nhận của trường đại học, cao đẳng mà người đăng ký dự thi công tác trước khi thôi làm giảng viên phù hợp với quy định tại tiết a.2 điểm a và tiết b.2 điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư số 22/2019/TT-BTC.
4. Kết quả thi
Kết quả thi được quy định tại điểm 9 khoản 1 Điều 1 Thông tư 22/2019/TT-BTC như sau:
– Môn thi đạt yêu cầu là môn thi đạt điểm từ 50 điểm trở lên chấm theo thang điểm 100.
Trường hợp có 03 môn thi đạt yêu cầu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan theo quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BTC.
– Bảo lưu kết quả thi: Trường hợp trong các môn thi có môn không đạt yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản này, thì kết quả các môn thi đạt yêu cầu được tự động bảo lưu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày thông báo kết quả phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan; hoặc bảo lưu kết quả cho đến khi kết thúc kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan tiếp theo liền kề trong trường hợp quá thời hạn 01 năm kể từ ngày thông báo kết quả phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan mà kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan chưa được tổ chức.
Kết luận: Cá nhân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có nhu cầu thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Thông tư 12/2015/TT-BTC, Thông tư số 22/2019/TT-BTC.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan