9. Đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Posted on

Để đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đến cơ quan Hải quan có thẩm quyền. Trong bài viết dưới đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ làm rõ hơn về Thủ tục Đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Luật 50/2005/QH11, Luật 54/2014/QH13, Luật 36/2009/QH12, Thông tư 13/2015/TT-BTC, Thông tư 13/2020/TT-BTC như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản:

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng (Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009).

Hàng hóa bao gồm động sản có tên gọi và mã số theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc được lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan (khoản 6 Điều 4 Luật 54/2014/QH13).

Đơn đề nghị bao gồm: Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Đơn đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điểm c Khoản 1 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BTC).

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan là việc cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tạm dừng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều 73, 74, 75, 76 Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hải quan (khoản 2 Điều 3 Thông tư 13/2015/TT-BTC).

Lưu ý:

Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hải quan về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối vói hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 5 Thông tư 13/2015/TT-BTC.

2. Quy trình thủ tục đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Quy trình thực hiện Thủ tục này được quy định tại Điều 6 Thông tư 13/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BTC như sau:

– Người nộp Đơn đề nghị gửi hồ sơ thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến Tổng cục Hải quan (Cục giám sát quản lý về hải quan) -> Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ bộ hồ sơ, Tổng cục hải quan tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và điều kiện theo quy định, lãnh đạo Cục giám sát quản lý về hải quan ký công văn thông báo việc chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ -> Trường hợp không đủ điều kiện thì có công văn trả lời Doanh nghiệp.

Hồ sơ gồm: Các loại giấy tờ được liệt kê, mô tả trong phần Thành phần hồ sơ của chi tiết Thủ tục hành chính 02 loại giấy tờ sau đây:

+ Văn bản ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền nộp đơn)

Nội dung ủy quyền phải phù hợp với quy định pháp luật; trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền không có trụ sở tại Việt Nam thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự theo thỏa thuận tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

+ Chứng từ nộp phí hải quan theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.

Cách thức thực hiện: Người nộp Đơn đề nghị có thể nộp hồ sơ bằng 02 cách thức như sau:

+ Nộp thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tại địa chỉ Website: customs.gov.vn

+ Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng hoặc bị lỗi, người nộp Đơn đề nghị nộp 01 bộ hồ sơ giấy gồm các chứng từ quy định tại Điều này tại bộ phận Một cửa của Tổng cục Hải quan hoặc gửi qua bưu điện tới Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan). Chứng từ quy định tại điểm a, c, d, khoản 1 Điều này là bản chính; chứng từ quy định tại điểm b, đ, e, khoản 1 Điều này là bản chụp có ký tên, đóng dấu xác nhận của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp

Lưu ý:

Trường hợp các tài liệu cung cấp cho Tổng cục Hải quan theo quy định tại Điều này có thay đổi, bổ sung thì người nộp Đơn đề nghị có trách nhiệm thông báo cho Tổng cục Hải quan thông tin về số, ngày văn bản thông báo chấp nhận kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan và các thông tin có thay đổi, bổ sung kèm tài liệu liên quan đến thông tin thay đổi, bổ sung theo phương thức (Khoản 4 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BTC).

Cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin theo thông báo của người nộp Đơn đề nghị với hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát đã được chấp nhận và có văn bản thông báo về việc thay đổi, bổ sung thông tin gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu.

3. Trường hợp tiếp nhận, kiểm tra và xử lý đơn đề nghị

Các trường hợp tiếp nhận, kiểm tra, từ chối hay chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 7 Thông tư 13/2015/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 13/2020/TT-BTC.

Về kiểm tra Hồ sơ đề nghị, Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra các nội dung sau:

– Tư cách pháp lý của người nộp Đơn đề nghị theo quy định pháp luật;

– Sự phù hợp giữa nội dung Đơn với các tài liệu gửi ke,f, thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

– Ảnh chụp phù hợp với nội dung quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu bảo vệ hoặc nội dung tố cáo hành vi vi phạm;

– Nội dung ủy quyền phù họp với quy định của pháp luật.

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan hải quan có văn bản thông báo cho người nộp Đơn đề nghị nộp bổ sung.

Trong các trường hợp dưới đây, cơ quan hải quan sẽ từ chối tiếp nhận Đơn đề nghị:

– Người nộp Đơn đề nghị không đủ tư cách pháp lý nộp đơn theo quy định pháp luật;

– Nội dung Đơn đề nghị và tài liệu gửi kèm không phù họp, thống nhất;

– Trong thời gian xử lý Đơn đề nghị, cơ quan hải quan nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo về việc tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

– Hồ sơ nộp bổ sung quá thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan gửi thông báo nộp bổ sung.

Lưu ý:

Trường hợp chấp nhận Đơn đề nghị thì cơ quan hải quan xử lý như sau: (khoản 3 Điều 7 Thông tư 13/2015/TT-BTC):

Sau khi chấp nhận yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông báo chấp nhận đơn tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu để triển khai việc kiểm tra, giám sát.

– Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận thông báo của Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) và tra cứu dữ liệu trên hệ thống để tổ chức, triển khai thực hiện trong phạm vi địa bàn quản lý;

– Chi cục Hải quan căn cứ thông tin trên cơ sở dữ liệu và thông báo của Tổng cục hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) để triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

Kết luận: Khi Đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật 50/2005/QH11, Luật 54/2014/QH13, Luật 36/2009/QH12, Thông tư số 13/2015/TT-BTC, Thông tư 13/2020/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ