19. Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán (Cấp lần đầu, cấp điều chỉnh, cấp lại)

Posted on

Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Cấp lần đầu) được thực hiện theo Luật kế toán 2015, Nghị định 174/2016/NĐ-CP, Nghị định 41/2018/NĐ-CP, Thông tư 297/2016/TT-BTC. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:

1. Một số khái niệm cơ bản

Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán theo quy định của Luật kế toán 2015 cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu (khoản 13 Điều 3 Luật kế toán 2015).

Đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán bao gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.

(khoản 5 Điều 3 Nghị định 174/2016/NĐ-CP).

2. Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Điều 3 Thông tư 297/2016/TT-BTC thì giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được cấp cho công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 60 Luật kế toán.

3. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Căn cứ tại Điều 60 Luật kế toán 2015, điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với từng đối tượng được quy định như sau:

Thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất hai thành viên góp vốn là kế toán viên hành nghề;

– Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kế toán viên hành nghề;

– Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp, tỷ lệ vốn góp của các thành viên là tổ chức theo quy định của Chính phủ.

Lưu ý:

– Đối với tỷ lệ vốn góp của thành viên là tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kế toán hai thành viên trở lên. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kế toán hai thành viên trở lên (Điều 26 Nghị định 174/2016/NĐ-CP).

– Theo Điều 27 Nghị định 174/2016/NĐ-CP thì tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định như sau:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty.

+ Kế toán viên hành nghề không được đồng thời đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán tại hai đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán trở lên trong cùng một thời gian.

Thứ hai, công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất hai thành viên hợp danh là kế toán viên hành nghề;

– Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của công ty hợp danh phải là kế toán viên hành nghề.

Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc.

Thứ tư, chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau:

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính;

– Có ít nhất hai kế toán viên hành nghề, trong đó có giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh;

– Giám đốc hoặc tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không được đồng thời giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.

Lưu ý chung:

– Cấm kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật kế toán (khoản 11 Điều 13 Luật kế toán 2015).

– Cấm sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp nếu đã quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (khoản 12 Điều 13 Luật kế toán 2015).

– Cấm thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình (khoản 13 Điều 13 Luật kế toán 2015).

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được làm bằng tiếng Việt. Các giấy tờ kèm theo đơn đề nghị bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam (khoản 2 Điều 4 Thông tư 297/2016/TT-BTC).

– Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 4 Thông tư 297/2016/TT-BTC).

4. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

Theo Điều 62 Luật kế toán 2015 thì thời hạn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được quy định như sau:

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán giải trình. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán tính từ ngày nhận tài liệu giải trình bổ sung.

5. Điều kiện cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 203/2012/TT-BTC, doanh nghiệp kiểm toán đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được đề nghị cấp lại trong các trường hợp sau:

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán bị mất hoặc bị hư hỏng;

Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 203/2012/TT-BTC, doanh nghiệp kiểm toán phải làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hư hỏng hoặc hoàn thành việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu.

6. Xử lý vi phạm hành chính

6.1. Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 và Điều 24 Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì những hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được xử lý như sau:

– Đối với hành vi xác nhận không đúng thực tế các tài liệu trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì cá nhận sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

– Đối với hành vi kê khai không đúng thực tế trong hồ sơ để đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì cá nhận sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Đối với hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

6.2. Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 và Điều 28 Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì những hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán được xử lý như sau:

– Doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhưng không làm thủ tục xóa cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi theo quy định thì doanh nghiệp đó sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Cung cấp dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6.3. Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 và khoản 1, khoản 2 Điều 42 Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được xử lý như sau:

Phạt cảnh cáo đối với doanh nghiệp thực hiện một trong các hành vi sau đây:

+ Nộp trả lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định khi bị thu hồi;

+ Làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán toán chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp thực hiện một trong các hành vi sau:

+ Nộp trả lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định khi bị thu hồi;

+ Không làm thủ tục hoặc làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định;

Kết luận: Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Cấp lần đầu) là một thủ tục bắt buộc trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.

Chi tiêt trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Cấp lần đầu)

Thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán (Cấp lại)