22. Đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng
Thủ tục Đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng được thực hiện theo Luật kiểm toán độc lập 2011, Nghị định 17/2012/NĐ-CP, Thông tư 183/2013/TT-BTC. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý về vấn đề này:
1. Một số khái niệm cơ bản:
Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm tra, đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán (khoản 1 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011).
Đơn vị có lợi ích công chúng là doanh nghiệp, tổ chức mà tính chất và quy mô hoạt động có liên quan nhiều đến lợi ích của công chúng (khoản 7 điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011).
Theo Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập 2011 thì đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm:
– Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
– Tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
– Công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
– Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích của công chúng do tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị đó theo quy định của pháp luật.
Đồng thời tại Điều 4 Thông tư 183/2013/TT-BTC thì trong phạm vi hướng dẫn của Thông tư này, đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm:
– Đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, gồm: công ty đại chúng quy mô lớn, tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ và các công ty quản lý quỹ.
– Đơn vị có lợi ích công chúng khác, gồm:
+ Công ty đại chúng ngoại trừ các công ty đại chúng quy mô lớn;
+ Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (trừ các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc lĩnh vực chứng khoán);
+ Doanh nghiệp, tổ chức khác có liên quan đến lợi ích của công chúng do tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị đó theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận
Theo Điều 6 Thông tư 183/2013/TT-BTC thì tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được Bộ Tài chính cấp còn hiệu lực;
– Có vốn điều lệ hoặc vốn được cấp (đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam) từ 4 tỷ đồng trở lên và phải thường xuyên duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn 4 tỷ đồng. Từ kỳ chấp thuận cho năm 2016, số vốn nêu trên là 6 tỷ đồng trở lên;
– Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 07 người trở lên, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, có đủ các tiêu chuẩn quy định. Từ kỳ chấp thuận cho năm 2016, có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 10 người trở lên;
– Có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là 24 tháng tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu hoặc từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán lần đầu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán;
– Đã phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính cho tối thiểu 100 khách hàng tính từ ngày 01/01 của năm nộp hồ sơ đến ngày nộp hồ sơ đăng ký. Từ kỳ chấp thuận cho năm 2016, số lượng khách hàng tối thiểu này là 250 khách hàng.
Trường hợp tổ chức kiểm toán đã được chấp thuận trong năm nộp hồ sơ thì phải có thêm điều kiện đã phát hành báo cáo kiểm toán (hoặc báo cáo kết quả công tác soát xét) báo cáo tài chính cho tối thiểu 05 khách hàng là đơn vị có lợi ích công chúng tính từ ngày 01/01 của năm nộp hồ sơ đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán. Từ kỳ chấp thuận cho năm 2016, số lượng khách hàng tối thiểu này là 10 khách hàng;
– Có hệ thống kiểm soát chất lượng đạt yêu cầu theo quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam;
– Đã thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính;
– Không thuộc các trường hợp không được xem xét, chấp thuận;
– Nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán theo quy định.
Lưu ý:
– Các trường hợp không được xem xét, chấp thuận được quy định tại Điều 12 Thông tư 183/2013/TT-BTC.
– Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (khoản 1 Điều 54 Luật Kiểm toán độc lập 2011).
– Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn, thủ tục xem xét, chấp thuận và các trường hợp đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và kiểm toán viên hành nghề được thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 54 Luật Kiểm toán độc lập 2011).
3. Tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận
Theo khoản 1 Điều 15 Luật kiểm toán độc lập 2011 và Điều 8 Thông tư 183/2013/TT-BTC thì kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận phải có các tiêu chuẩn sau:
– Là kiểm toán viên;
– Có tên trong danh sách kiểm toán viên đủ điều kiện hành nghề kiểm toán trong kỳ chấp thuận được Bộ Tài chính công khai tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.
– Có ít nhất 24 tháng thực tế hành nghề kiểm toán tại Việt Nam tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện hành nghề kiểm toán đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán.
– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.
Lưu ý: Việc xem xét, chấp thuận tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề đủ tiêu chuẩn, điều kiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng được thực hiện định kỳ một năm một lần. Kỳ chấp thuận được tính theo năm dương lịch từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 (Điều 9 Thông tư 183/2013/TT-BTC).
4. Các trường hợp tổ chức kiểm toán được chấp thuận không được thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng
Ngoài các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện kiểm toán quy định tại Điều 9 của Nghị định 17/2012/NĐ-CP, thì tổ chức kiểm toán được chấp thuận không được thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trong các trường hợp theo Điều 7 Thông tư 183/2013/TT-BTC được quy định như sau:
– Tổ chức kiểm toán là khách hàng đang hưởng những điều kiện ưu đãi ngoài mức thông thường của đơn vị có lợi ích công chúng.
– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) của tổ chức kiểm toán là người có trách nhiệm quản lý, điều hành của đơn vị có lợi ích công chúng được kiểm toán.
5. Thời hạn xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề
Căn cứ tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 183/2013/TT-BTC, theo đó:
– Từ ngày 01/10 đến ngày 20/10 hàng năm, tổ chức kiểm toán nộp hồ sơ cho Bộ Tài chính để được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Trường hợp tổ chức kiểm toán đăng ký kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán thì đồng thời nộp hồ sơ cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
– Trong quá trình xem xét, nếu hồ sơ chưa đúng theo quy định thì trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ cơ quan có thẩm quyền chấp thuận yêu cầu tổ chức kiểm toán hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức kiểm toán phải hoàn thiện hồ sơ trước ngày 05/11. Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận có văn bản thông báo cho tổ chức kiểm toán.
– Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng trước ngày 15/11 hàng năm trên trang, cổng thông tin điện tử của mình. Tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề có tên trong danh sách này được thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
– Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận và công khai danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán trước ngày 20/11 hàng năm trên trang, cổng thông tin điện tử của mình. Tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề có tên trong danh sách này được thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
– Căn cứ danh sách tổ chức kiểm toán và danh sách kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận, đơn vị có lợi ích công chúng lựa chọn tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề để ký hợp đồng thực hiện kiểm toán cho đơn vị mình. Danh sách tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng và danh sách tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán được cập nhật khi có quyết định thay đổi của cơ quan có thẩm quyền.
6. Xử phạt vi phạm hành chính
Điều 59, 60 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, đồng thời mức xử phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 59 Nghị định 41/2018/NĐ-CP.
Căn cứ tại Điều 59 Nghị định 41/2018/NĐ-CP thì những hành vi vi phạm về hồ sơ đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị lợi ích công chúng được xử lý như sau:
– Phạt cảnh cáo đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Bản báo cáo minh bạch khi công bố không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán hoặc người được ủy quyền;
+ Thực hiện công bố thông tin trong báo cáo minh bạch hoặc cập nhật các thông tin thay đổi chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện hành vi vi phạm công bố và cập nhật đầy đủ thông tin trong báo cáo minh bạch trên trang thông tin điện tử chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kiểm toán thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Không lập trang thông tin điện tử theo quy định;
+ Không công bố và không cập nhật đầy đủ thông tin trong báo cáo minh bạch trên trang thông tin điện tử;
+ Công bố sai lệch thông tin trong báo cáo minh bạch.
Lưu ý:
Theo Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập 2011 thì tổ chức cá nhân cần lưu ý những điểm sau:
– Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 59 của Luật Kiểm toán độc lập 2011 thì bị xử lý cảnh cáo, phạt tiền, có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập.
– Cá nhân vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định còn bị đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Thủ tục đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng là một thủ tục quan trọng và bắt buộc trước khi thực hiện kiểm toán.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thủ tục Đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng