4. Cấp, cấp lại, cấp đổi Chứng minh nhân dân (9 số)
Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân quan trọng, trong quá trình sử dụng có thể xảy ra những trường hợp mất, hư hỏng,… dẫn đến việc cần phải đăng ký cấp, cấp đổi, cấp lại . Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa các nội dung đó theo theo quy định tại Nghị định 05/1999/NĐ-CP; Nghị định 170/2007/NĐ-CP; Nghị định 106/2013/NĐ-CP, Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13), Thông tư 05/2014/TT-BCA (được thay thế bởi Thông tư 66/2015/TT-BCA), Thông tư 85/2019/TT-BTC.
1. Khái niệm
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP thì Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Mục 4 Phần I Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định: CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.
Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định: Đối tượng được cấp chứng minh nhân dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP; điểm b, c khoản 3 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP quy định: các đối tượng sau tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân:
– Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình.
Các trường hợp ở trên nếu khỏi bệnh, hết thời hạn tạm giam, thời hạn thi hành án phạt tù hoặc hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được cấp Chứng minh nhân dân.
2. Cấp Chứng minh nhân dân
Mục 5 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định:
– Công dân thuộc diện được cấp CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào do Công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp CMND.
– Những công dân đang phục vụ trong Quân đội và Công an nhân dân (trừ số đang thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự) chưa đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình hiện đang ở tập trung trong doanh trại quân đội, công an thì do Công an cấp huyện nơi đơn vị đóng trụ sở chính, nhà ở tập thể đó làm thủ tục cấp CMND theo quy định về cấp CMND đối với quân đội và công an. Trường hợp đã đăng ký hộ khẩu thường trú cùng gia đình thì áp dụng như các công dân khác.
Mục 1 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13) quy định công dân thực hiện các thủ tục sau:
– Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu hoặc chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
– Chụp ảnh: ảnh do cơ quan công an chụp hoặc thu qua camera để in trên CMND và tờ khai. Ảnh màu, kích thước là 3×4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự.
– Kê khai tờ khai cấp CMND (theo mẫu);
– In vân tay 10 ngón vào chỉ bản, tờ khai (theo mẫu) hoặc cơ quan Công an thu vân tay 10 ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào chỉ bản và CMND;
Lưu ý: Mục 6 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định: Thời hạn hoàn chỉnh trả CMND cho công dân là 15 ngày (ở thành phố, thị xã) và trong thời hạn 30 ngày (ở các địa bàn khác) tính từ ngày làm xong thủ tục cấp CMND.
Thủ tục cấp CMND cho Quân đội và Công an nhân dân được quy định tại Mục 4 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA:
– Đối với những công dân trong biên chế chính thức của Quân đội, Công an nhân dân đang ở tập trung trong doanh trại, nhà tập thể khi làm thủ tục cấp mới, cấp đổi, cấp lại CMND cũng phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định chung. Riêng việc xuất trình hộ khẩu thường trú được thay bằng giấy giới thiệu của cấp có thẩm quyền kèm theo Chứng minh Quân đội, Giấy chứng nhận Công an.
– Thẩm quyền cấp giấy giới thiệu cho công dân là quân nhân và công an nhân dân để làm thủ tục cấp CMND quy định như sau:
+ Cục trưởng hoặc cấp tương đương (nếu cấp cho người thuộc biên chế của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an).
+ Thủ trưởng Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, Bộ Tư lệnh.
+ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Giám đốc học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, trung học.
+ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Người cấp giấy giới thiệu làm thủ tục cấp CMND phải chịu trách nhiệm cấp đúng đối tượng đã quy định tại điểm a nêu trên.
3. Cấp đổi Chứng minh nhân dân
Theo Mục 2 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13), công dân đã được cấp CMND được đổi lại trong các trường hợp sau:
+ Quá thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp;
+ CMND rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin đã ghi trên CMND;
+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Những người đã được cấp giấy CMND nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp chuyển ĐKHKTT trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại CMND;
+ Thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ.
Công dân cần thực hiện các thủ tục sau:
– Soạn Đơn trình bày rõ lý do đổi CMND có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
– Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
– Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;
– Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
– Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
– Nộp lệ phí.
Lưu ý: Theo Mục 2, 3 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13):
– Các trường hợp đổi CMND phải nộp lại giấy CMND theo Quyết định số 143/CP ngày 9-8-1976 của Hội đồng Chính phủ (nếu có) cho cơ quan công an ngay khi làm thủ tục đổi để lưu chung với hồ sơ.
– Những trường hợp mất hồ sơ do thất lạc, hoả hoạn, bão lụt và các trường hợp bất khả kháng, cơ quan công an phải thông báo khi công dân đến làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND thì làm thủ tục cấp mới cho những đối tượng này.
– Những công dân đã được cấp giấy CMND theo Quyết định số 143/CP được tiếp tục sử dụng và phải đổi lại CMND theo quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP theo kế hoạch thông báo của – Bộ Công an. Thủ tục cấp đổi giấy CMND đã cấp theo Quyết định số 143/CP áp dụng như các trường hợp đổi CMND quy định tại điểm c mục 2 phần II Thông tư này nhưng không cần phải làm đơn xin đổi theo quy định.
4. Cấp lại Chứng minh nhân dân
Theo Mục 2 Phần II Thông tư 04/1999/TT-BCA, đối tượng cấp lại CMND là những công dân đã được cấp CMND theo Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999 và giấy CMND theo Quyết định số 143/CP nhưng bị mất.
Công dân cần thực hiện các thủ tục sau:
– Soạn Đơn trình bày rõ lý do cấp lại CMND có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
– Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
– Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
– Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
– Nộp lệ phí.
Kết luận: Công dân có nhu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân cần thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Nghị định 05/1999/NĐ-CP, Thông tư 04/1999/TT-BCA.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Chứng minh nhân dân (9 số)