18. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng

Posted on

Nhà nước luôn có chính sách ưu đãi dành cho đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng là một trong những chế độ của Nhà nước dành cho đối tượng này. Vậy điều kiện áp dụng, mức phụ cấp và thời gian hưởng phụ cấp thâm niên được quy định như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Thông tư 224/2017/TT-BQP.

1. Khái niệm

Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi chung là sĩ quan) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp Úy, cấp Tá, cấp Tướng. (khoản 1 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2008)

Quân nhân chuyên nghiệp là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ trong Quân đội nhân dân, được tuyển chọn, tuyển dụng theo chức danh và được phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp. (khoản 1 Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015)

Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ. (khoản 2 Điều 2 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015)

2. Chế độ phụ cấp thâm niên

– Điều kiện áp dụng và mức phụ cấp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP thì:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng đang công tác, làm việc tại các cơ quan, đơn vị có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội:

+ Đủ 5 năm (đủ 60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

+ Từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.

Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên

Khoản 2 Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm:

+ Thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội;

+ Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác (bao gồm: công an, cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng, nhà giáo, dự trữ quốc gia và các ngành, nghề khác được Chính phủ quy định) được cộng dồn với thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội

Lưu ý:

– Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại khoản 2 Điều này nếu có đứt quãng thì được cộng dồn.

– Trong cùng một thời điểm làm việc, được hưởng nhiều loại phụ cấp thâm niên (của nhiều ngành, nghề khác nhau) thì chỉ được hưởng một loại phụ cấp thâm niên.

(Khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP)

– Thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên

Khoản 5 Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP quy định thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm:

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; thời gian chấp hành hình phạt tù giam; thời gian đào ngũ;

+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Kinh phí bảo đảm

Theo Điều 5 Thông tư 224/2017/TT-BQP thì kinh phí bảo đảm được quy định như sau:

– Đối với đơn vị dự toán, kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên do Ngân sách Quốc phòng đảm bảo và hạch toán vào Mục 6100, Tiểu mục 6115, Tiết mục: 10 (Sĩ quan), 20 (Quân nhân chuyên nghiệp), 30 (Công nhân quốc phòng), 40 (Viên chức quốc phòng); Ngành 00 “Phụ cấp thâm niên khác”.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên được hạch toán vào nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

Đối với doanh nghiệp, kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên được hạch toán vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (được hạch toán bổ sung phần tăng thêm do truy lĩnh từ ngày 01 tháng 7 năm 2016).

Kết luận: Điều kiện áp dụng, mức phụ cấp và thời gian hưởng phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được quy định cụ thể tại Thông tư 224/2017/TT-BQP. Chế độ phụ cấp này luôn có nguồn kinh phí bảo đảm để thực hiện việc chi trả theo quy định của pháp luật.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng