2. phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện
Phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện là một trong những thủ tục hành chính rất cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật. Để đảm bảo việc thực thi tuân thủ pháp luật, Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ đưa ra những nội dung cụ thể trong việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
1.1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có (Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015):
– Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
– Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
– Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
– Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
1.2. Phân loại đơn vị hành chính quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
– Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
– Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
– Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
2. Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính tỉnh
Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính tỉnh (Điều 12 Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13)
2.1. Quy mô dân số
– Tỉnh từ 500.000 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 500.000 người thì cứ thêm 30.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm;
– Tỉnh miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại điểm a khoản này.
2.2. Diện tích tự nhiên từ 1.000 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 1.000 km2 thì cứ thêm 200 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
2.3. Số đơn vị hành chính trực thuộc
– Có từ 10 đơn vị hành chính cấp huyện trở xuống được tính 2 điểm; trên 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 6 điểm;
– Có tỷ lệ số thành phố thuộc tỉnh và thị xã trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 20% trở xuống được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm.
2.4. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội
– Có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương từ 10% trở xuống được tính 8 điểm; trên 10% thì cứ thêm 1% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 10 điểm.
Trường hợp không có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương, nếu có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% trở xuống được tính 3 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;
– Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 70% trở xuống được tính 1 điểm; trên 70% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Thu nhập bình quân đầu người từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Có từ 20% đến 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới được tính 1 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 1 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 0,5 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1,5 điểm;
– Tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân từ mức bình quân chung cả nước trở xuống được tính 0,5 điểm; trên mức bình quân chung cả nước thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 1,5 điểm;
– Tỷ lệ hộ nghèo từ mức bình quân chung cả nước trở lên được tính 1 điểm; dưới mức bình quân chung cả nước thì cứ giảm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
2.5. Các yếu tố đặc thù
– Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 1 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
– Có từ 10% đến 20% đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có đường biên giới quốc gia trên đất liền được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 10% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
3. Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính huyện
Tiêu chuẩn phân loại và cách tính điểm phân loại đơn vị hành chính huyện (Điều 13 Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13)
3.1. Quy mô dân số
– Huyện từ 40.000 người trở xuống được tính 10 điểm; trên 40.000 người thì cứ thêm 3.000 người được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm;
– Huyện miền núi, vùng cao áp dụng mức 75% quy định tại điểm a khoản này.
3.2. Diện tích tự nhiên từ 100 km2 trở xuống được tính 10 điểm; trên 100 km2 thì cứ thêm 15 km2 được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 30 điểm.
3.3. Số đơn vị hành chính trực thuộc
– Có từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trở xuống được tính 2 điểm; trên 10 đơn vị hành chính cấp xã thì cứ thêm 01 đơn vị hành chính được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 6 điểm;
– Có tỷ lệ số thị trấn trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 20% trở xuống được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 4 điểm.
3.4. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội
– Tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương được tính 10 điểm.
Trường hợp chưa tự cân đối được thu, chi ngân sách địa phương, nếu số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 40% trở xuống được tính 3 điểm; trên 40% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 8 điểm;
– Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế từ 50% trở xuống được tính 1 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,5 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
– Có từ 15% đến 20% số xã trực thuộc đạt chuẩn nông thôn mới được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
– Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 50% trở xuống được tính 1 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
– Tỷ lệ đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc đạt tiêu chí quốc gia về y tế từ 50% trở xuống được tính 1 điểm; trên 50% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm;
– Tỷ lệ hộ nghèo từ 4,5% trở lên được tính 1 điểm; dưới 4,5% thì cứ giảm 0,5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 3 điểm.
3.5. Các yếu tố đặc thù
– Có từ 20% đến 30% dân số là người dân tộc thiểu số được tính 1 điểm; trên 30% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Có từ 10% đến 20% đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có đường biên giới quốc gia trên đất liền được tính 1 điểm; trên 20% thì cứ thêm 5% được tính thêm 0,25 điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm;
– Huyện nghèo được tính 1 điểm.
Lưu ý:
– Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 quy định khung điểm của từng tiêu chí để phân loại các đơn vị hành chính, gồm các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và các yếu tố đặc thù. Điểm phân loại đơn vị hành chính là tổng số điểm đạt được của các tiêu chí của đơn vị hành chính đó. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 100 điểm.
– Nghị quyết 1211/UBTVQH quy định đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt từ 75 điểm trở lên được phân loại I, đạt từ 50 điểm đến dưới 75 điểm được phân loại II, còn lại thì loại III.
4. Thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính
Thẩm quyền quyết định phân loại đơn vị hành chính quy định tại Điều 24 Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13:
– Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, loại II và loại III.
– Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định công nhận phân loại đơn vị hành chính cấp huyện loại I, loại II và loại III.
Lưu ý:
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13:
– Các đơn vị hành chính đã được phân loại trước ngày 25/05/2016 thì giữ nguyên loại đơn vị hành chính cho đến khi được phân loại lại theo quy đinh;
– Các đơn vị hành chính sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì phải tiến hành phân loại theo quy định;
– Trường hợp đơn vị hành chính có biến động về tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính mà cần thiết phải phân loại lại thì được phân loại lại theo quy định.
Kết luận: Khi tiến hành phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thì UBND cấp tỉnh, cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp mình, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
Chi tiết, hồ sơ, thủ tục xem tại đây: Phân Loại Đơn Vị Hành Chính Cấp Tỉnh, Cấp Huyện