6. Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý
Công ty TNHH một thành viên có các hình thức tổ chức lại như hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong đó có thủ tục Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 172/2013/NĐ-CP.
1. Khái niệm
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. (khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).
– Hợp nhất công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Hai hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể hợp nhất với nhau thành một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất (điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).
– Sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể sáp nhập vào một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập (điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).
2. Điều kiện tổ chức lại công ty TNHH một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức lại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây (khoản 1, 2, 3 Điều 17 Nghị định 172/2013/NĐ-CP):
– Việc tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa được quy định tại Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
– Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới hình thành sau khi chia, tách công ty trách nhiệm hữu một thành viên phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định là thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Điều 5 Nghị định này; Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 6 Nghị định này; Việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế
– Việc tổ chức lại không làm giảm vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
3. Một số lưu ý hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên
Khoản 3, 4, 5 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
– Công ty bị hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về hợp nhất công ty.
– Sau khi công ty hợp nhất đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị hợp nhất trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty hợp nhất. Trường hợp công ty bị hợp nhất có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty hợp nhất đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty hợp nhất đặt trụ sở chính phải thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị hợp nhất đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị hợp nhất trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khoản 2, 3, 4 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
– Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.
– Các công ty thực hiện việc sáp nhập phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh về sáp nhập công ty.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập. Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
4. Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định khoản 2, 3, 4 Điều 110 Luật Cạnh tranh 2018:
– Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
– Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
+ Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
– Một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
+ Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền;
+ Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;
+ Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;
+ Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;
+ Cải chính công khai;
+ Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm.
Kết luận: Việc thực hiện thủ tục Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý cần tuân thủ theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Cạnh tranh 2018, Nghị định 172/2013/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Hợp nhất, sáp nhập công ty TNHH một thành viên do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, hoặc được giao quản lý