7. Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập

Posted on

Công ty TNHH một thành viên có các hình thức tổ chức lại như hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong đó có thủ tục Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 172/2013/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. (khoản 1 Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2020).

Chia công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi là công ty bị chia) có thể chia thành hai hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới (gọi là công ty được chia) bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty bị chia sang công ty được chia, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia (điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).

Tách công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Một công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (gọi là công ty bị tách) có thể tách để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới (gọi là công ty được tách) bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty bị tách sang công ty được tách mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách (điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).

2. Điều kiện tổ chức lại công ty TNHH một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức lại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây (khoản 1, 3 Điều 17 Nghị định 172/2013/NĐ-CP):

– Việc tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải phù hợp với Đề án tổng thể về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp việc tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa được quy định tại Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

– Việc tổ chức lại không làm giảm vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Lưu ý: Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới hình thành sau khi chia, tách công ty trách nhiệm hữu một thành viên phải đảm bảo đủ điều kiện như đối với thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định là thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại Điều 5 Nghị định này; Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 6 Nghị định này; Việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế (khoản 2 Điều 17 Nghị định 172/2013/NĐ-CP).

3. Phương thức chia, tách công ty TNHH một thành viên

Chia, tách công ty TNHH một thành viên có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây (khoản 1 Điều 192, khoản 1, 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020):

– Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các cổ đông, thành viên và tài sản công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới trong một trong các trường hợp sau đây:

+ Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

+ Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;

+ Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

– Tách công ty có thể thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:

+ Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

+ Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;

+ Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

 Lưu ý: khoản 4 Điều 192 và khoản 5 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

– Công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.

– Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.

Kết luận: Việc thực hiện thủ tục Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập cần tuân thủ theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 172/2013/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chia, tách công ty TNHH một thành viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập