10. Xét hưởng chính sách hỗ trợ cho đối tượng sinh con đúng chính sách dân số

Posted on

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành xem xét và quyết định Xét hưởng chính sách hỗ trợ cho đối tượng sinh con đúng chính sách dân số khi có đơn yêu cầu. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Bình đẳng giới 2006, Nghị định 39/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH.

1. Khái niệm

Dân tộc thiểu số là dân tộc được quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH).

Hộ nghèo là hộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo tiêu chí quy định tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 (khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH).

Người cư trú tại đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn là người có Hộ khẩu thường trú hoặc Sổ tạm trú và hiện đang sinh sống tại đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn (khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 45/2018/TT-BYT).

2. Đối tượng được hỗ trợ

Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (khoản 3 Điều 17 Luật Bình đẳng giới 2006).

Phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây iều 1 Nghị định 39/2015/NĐ-CP):

– Sinh một hoặc hai con;

– Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

– Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;

– Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;

– Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;

– Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;

– Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ);

– Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;

– Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Lưu ý:

– Mỗi đối tượng chỉ được nhận chính sách hỗ trợ một lần (Điều 2 Thông tư liên tịch 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH).

3. Định mức hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ và phương thức hỗ trợ

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 39/2015/NĐ-CP:

Định mức hỗ trợ: Hai triệu đồng/người.

Thời điểm hỗ trợ: Tính từ tháng đầu sau khi sinh con thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Phương thức hỗ trợ: Bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.

4. Kinh phí hỗ trợ

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 39/2015/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định 39/2015/NĐ-CP:

– Kinh phí hỗ trợ do ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn chi bảo đảm xã hội theo phân cấp ngân sách hiện hành.

– Năm 2016, ngân sách Trung ương hỗ trợ đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; các địa phương còn lại do ngân sách địa phương tự bảo đảm.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Xét hưởng chính sách hỗ trợ cho đối tượng sinh con đúng chính sách dân số, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Bình đẳng giới 2006, Nghị định 39/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Xét hưởng chính sách hỗ trợ cho đối tượng sinh con đúng chính sách dân số