3. Cấp giấy chứng sinh cho trường hợp trẻ em được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Posted on

Việc đăng ký khai sinh phải cần có giấy chứng sinh. Dưới đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ đề cập các quy định về việc cấp giấy chứng sinh cho trường hợp trẻ em được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Hộ tịch 2014, Thông tư 34/2015/TT-BYT, Thông tư 17/2012/TT-BYT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 34/2015/TT-BYTThông tư 27/2019/TT-BYT), Thông tư 56/2017/TT-BYT.

1. Khái niệm

Theo khoản 4 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP, quy định về giấy chứng sinh như sau:

Giấy chứng sinh là một trong những giấy tờ mà người đi đăng ký khai sinh phải nộp.

Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.

2. Thẩm quyền cấp giấy chứng sinh

2.1. Thẩm quyền cấp giấy chứng sinh cho các trường hợp thông thường

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT, thẩm quyền cấp giấy chứng sinh bao gồm:

– Bệnh viện đa khoa có khoa sản, Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện     sản nhi

– Nhà hộ sinh;

– Trạm y tế cấp xã;

– Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ.

Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 56/2017/TT-BYTthẩm quyền cấp giấy chứng sinh bao gồm:

-Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn được phép thực hiện dịch vụ đỡ đẻ.

2.2. Thẩm quyền cấp giấy chứng sinh cho trường hợp trẻ em được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 27/2019/TT-BYT, trường hợp trẻ được sinh ra ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng được cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn bản đỡ đẻ thì cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ nộp đơn đề nghị đến Trạm y tế tuyến xã nơi trẻ sinh ra để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ.

Lưu ý:

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của trẻ em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài mà chưa được đăng ký khai sinh. (khoản 1 Điều 29 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)

3. Cấp giấy chứng sinh

3.1. Cấp giấy chứng sinh cho các trường hợp thông thường

Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu Giấy chứng sinh. Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ để làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (khoản 1 Điều 1 Thông tư 34/2015/TT-BYT)

3.2. Cấp giấy chứng sinh cho trường hợp trẻ em được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Trường hợp trẻ được sinh ra ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng được cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn bản đỡ đẻ thì cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ phải điền vào Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh và nộp cho Trạm y tế tuyến xã nơi trẻ sinh ra để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh, Trạm y tế tuyến xã phải làm thủ tục cấp Giấy chứng sinh cho trẻ. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 05 ngày làm việc. (khoản 1 Điều 1 Thông tư 27/2019/TT-BYT)

Lưu ý:

Trường hợp trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì Bên vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc Bên mang thai hộ phải nộp Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và Bên mang thai hộ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trẻ sinh ra. (Điều 2 Thông tư 34/2015/TT-BYT)

4. Cấp lại giấy chứng sinh

Các trường hợp phải cấp lại giấy chứng sinh bao gồm:

– Trường hợp đã cấp Giấy chứng sinh mà phát hiện có nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh: họ tên mẹ hoặc người nuôi dưỡng, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, dân tộc; nhầm lẫn về nơi đăng ký tạm trú.

– Trường hợp mất, rách, nát Giấy chứng sinh

Lưu ý: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng sinh thì có thẩm quyền cấp lại.

5. Một số lưu ý

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật. (khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014)

Cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh theo Điều 15 Luật Hộ tịch 2014như sau:

+ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

+ Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.

Mẫu Giấy chứng sinh được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể truy cập trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để in và sử dụng. (khoản 2 Điều 2 Thông tư 34/2015/TT-BYT)

– Phụ nữ sau khi sinh con có quyền yêu cầu cấp giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, cấp giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tùy thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Thông tư 14/2016/TT-BYT.

6. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ tại Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cá nhân vi phạm về giấy chứng sinh được xử lý như sau: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;

c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Kết luận: Cấp giấy chứng sinh cho trường hợp trẻ em được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là một thủ tục bắt buộc và quan trọng. Cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ phải tuân theo Luật Hộ tịch 2014, Thông tư 34/2015/TT-BYT, Thông tư 17/2012/TT-BYT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 34/2015/TT-BYTThông tư 27/2019/TT-BYT), Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp giấy chứng sinh cho trường hợp trẻ em được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh