14. Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo

Posted on

Hiện nay, để tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới thực hiện hoạt động thẩm định thiết kế xe cơ giới thì phải thực hiện Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT, Thông tư số 199/2016/TT-BTC, Thông tư 42/2018/TT-BGTVT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Xe cơ giới là các phương tiện giao thông đường bộ được định nghĩa, phân loại tại các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211 và TCVN 7271 (trừ xe mô tô, xe gắn máy) (Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT).

Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới. Trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác cùng kiểu loại, của cùng nhà sản xuất (cùng mã phụ tùng) thì không phải là cải tạo (Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT).

Thẩm định thiết kế là việc xem xét, kiểm tra, đối chiếu và đánh giá các nội dung hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định có liên quan (Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT).

2. Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo

Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo (Điều 7 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT).

Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là cơ quan thẩm định thiết kế) thẩm định theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này, nếu đạt yêu cầu thì phê duyệt thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi là Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế).

Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có hiệu lực tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký nhưng không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới (đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng).

Người thẩm định thiết kế của cơ quan thẩm định thiết kế phải là kỹ sư cơ khí ô tô đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới.

Lưu ý:

Trách nhiệm thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo (Điều 8 Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT):

Các Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới có đăng ký biển số tại địa phương mình theo quy định sau:

Cải tạo, lắp đặt các hệ thống, tổng thành: khung; động cơ; truyền lực; buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng, khoang chở khách; hệ thống điện, đèn chiếu sáng và tín hiệu của: xe tải (trừ xe tải chuyên dùng và ô tô tải không có thùng xe đã qua sử dụng nhập khẩu); xe chở người đến 25 chỗ (kể cả chỗ người lái), kể cả trường hợp cải tạo xe chở người trên 25 chỗ thành xe chở người đến 25 chỗ;

Lắp đặt ghế ngồi trên thùng xe của xe ô tô tải tập lái, sát hạch;

Cải tạo xe ô tô chở người thành xe ô tô cứu thương, ô tô tang lễ;

Cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo không quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khi có yêu cầu.

Trong trường hợp các Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện để thẩm định thiết kế thì Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thực hiện.

Kết luận:  Khi cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT, Thông tư số 199/2016/TT-BTC, Thông tư 42/2018/TT-BGTVT.

Chi tiết hồ sơ, thủ tục thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo