22. Cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải tạm thời
Để khai thác hiệu quả đội tàu biển, Cục đăng kiểm Việt Nam thực hiện cấp Bản công bố phù hợp Lao động hàng hải, Giấy chứng nhận Lao động hàng hải cho tàu biển theo trình tự thủ tục nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp không đủ điiều kiện cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải thì tàu biển có thể được cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải tạm thời. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo quy định của Công ước lao động hàng hải 2006, Nghị định 121/2014/NĐ-CP, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 43/2015/TT-BGTVT, Thông tư 234/2016/TT-BTC, Thông tư 24/2017/TT-BGTVT, VBNH 10/VBHN-BGTVT như sau:
1. Một số khái niệm
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Công ước lao động hàng hải 2006 thì Giấy chứng nhận lao động hàng hải là giấy chứng nhận nêu tại quy định áp dụng đối với các tàu có tổng dung tích từ 500 trở lên, chạy tuyến quốc tế và tổng dung tích từ 500 trở lên, mang cờ của một Quốc gia thành viên và đang hoạt động trong một cảng, hoặc giữa các cảng, thuộc lãnh thổ quốc gia khác.
Mỗi Quốc gia thành viên phải yêu cầu tàu mang cờ của mình luôn có trên tàu một Giấy chứng nhận lao động hàng hải chứng nhận rằng các điều kiện sống và làm việc của thuyền viên, các biện pháp đang áp dụng phải được nêu trong bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải nêu tại mục 4 của quy định này, đã được kiểm tra và thỏa mãn các yêu cầu của các văn bản pháp luật hoặc các quy định quốc gia hoặc các biện pháp khác để thi hành Công ước này.
Thuyền viên là bất kỳ người nào được tuyển dụng hoặc thuê hoặc làm việc theo bất kỳ khả năng nào trên một tàu áp dụng Công ước này (điểm f khoản 1 Điều 2 Công ước lao động hàng hải 2006).
Tàu là một tàu khác với tàu chỉ hoạt động trong vùng nước nội thủy hoặc vùng nước trong khu vực, hoặc liền kề với vùng nước kín hoặc các khu vực chỉ áp dụng các quy định của cảng (điểm i khoản 1 Điều 2 Công ước lao động hàng hải 2006).
Chủ tàu là người sở hữu tàu hoặc tổ chức hay cá nhân khác, như nhà quản lý, đại lý hoặc người thuê tàu trần, chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu trước chủ sở hữu và, chấp nhận đảm nhận các nhiệm vụ và nghĩa vụ của chủ tàu phù hợp với Công ước này, bất kể có hay không các cá nhân hoặc tổ chức nào khác thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ hoặc trách nhiệm thay mặt chủ tàu (điểm j khoản 1 Điều 2 Công ước lao động hàng hải 2006).
2. Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải tạm thời
Theo quy định tại Điều 5 VBHN số 10/VBHN-BGTVT năm 2017 quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải tạm thời cho tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế trong các trường hợp sau đây:
– Tàu biển mới được bàn giao sau khi đóng;
– Tàu thay đổi cờ quốc tịch
– Thay đổi chủ tàu.
Một giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời có thể được cấp trong một thời gian không quá sáu tháng bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc một tổ chức được công nhận được ủy quyền (khoản 6 Quy định 5.1.3 Đề mục 5 Công ước lao động hàng hải 2006).
Theo quy định tại khoản 7 Tiêu chuẩn A5.1.3 Công ước lao động hàng hải 2006 thì chỉ được cấp một giấy chứng nhận hàng hải tạm thời sau khi kiểm tra xác nhận rằng:
– Tàu đã được kiểm tra, đến mức phù hợp và thực tế có thể, đối với các vấn đề nêu tại Phụ chương A5-I, xét đến kiểm tra xác nhận các hạng mục nêu tại các mục (b), (c) và (d) của mục này.
– Chủ tàu đã chứng minh với cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận rằng tàu đã có đủ các quy trình thỏa mãn Công ước này;
– Thuyền trưởng nắm vững các yêu cầu của Công ước này và các trách nhiệm thực hiện; và
– Thông tin liên quan được trình cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận để cấp một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải.
Lưu ý:
– Một đợt kiểm tra toàn diện phù hợp với Tiêu chuẩn này phải được thực hiện trước ngày hết hạn của giấy chứng nhận tạm thời để có thể cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải dài hạn. Không được cấp thêm giấy chứng nhận tạm thời sau thời gian 06 tháng ban đầu như nêu tại mục 6 của Tiêu chuẩn này. Không cần thiết phải cấp một bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải trong khi giấy chứng nhận tạm thời còn hiệu lực (khoản 8 Tiêu chuẩn A5.1.3 Công ước lao động hàng hải 2006).
– Giấy chứng nhận lao động hàng hải, giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời và bản Tuyên bố phù hợp lao động hàng hải được lập theo mẫu phù hợp với các mẫu nêu tại Phụ trương A5-II.
3. Trường hợp Giấy chứng nhận lao động hàng hải mất hiệu lực, thu hồi
Theo quy định tại khoản 14 Tiêu chuẩn A5.1.3 một giấy chứng nhận sẽ mất hiệu lực trong bất kỳ trường hợp nào sau đây:
– Nếu các đợt kiểm tra liên quan không hoàn thành trong các thời gian quy định tại mục 2 của tiêu chuẩn này;
– Nếu giấy chứng nhận không được xác nhận phù hợp với mục 2 của Tiêu chuẩn này;
– Khi tàu đổi cờ;
– Khi chủ tàu không còn trách nhiệm khai thác tàu;
– Khi thực hiện thay đổi đáng kể về kết cấu hoặc thiết bị
Giấy chứng nhận lao động hàng hải sẽ bị cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được công nhận được quốc gia tàu mang cờ ủy quyền thu hồi, nếu có bằng chứng cho thấy tàu đó không thỏa mãn các yêu cầu của Công ước này và chưa có hành động khắc phục nào được yêu cầu được thực hiện (khoản 16 Tiêu chuẩn A5.1.3 Công ước lao động hàng hải 2006).
4. Xử lý vi phạm
Việc không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời dẫn đến thiếu một trong các loại giấy chứng nhận, tài liệu của tàu thuyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận, tài liệu đó hết giá trị sử dụng thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định 142/2017/NĐ-CP.
Kết luận: Để được cấp Giấy chứng nhận lao động hàng hải tạm thời cần đáp ứng yêu cầu quy định tại Công ước lao động hàng hải 2006, Nghị định 121/2014/NĐ-CP, Nghị định 142/2017/NĐ-CP, Thông tư 43/2015/TT-BGTVT, Thông tư 234/2016/TT-BTC, Thông tư 24/2017/TT-BGTVT, VBNH 10/VBHN-BGTVT
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy chứng nhận Lao động hàng hải tạm thời