23. Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa
Để được cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa, cá nhân, tổ chức cần đáp ứng điều kiện và trình tự theo luật định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, sửa đổi, bổ sung 2014, Thông tư 48/2015/TT-BGTVT, Thông tư 199/2016/TT-BTC, Thông tư 236/2016/TT-BTC, Thông tư 20/2022/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm
Theo khoản 4, 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004,
– Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.
– Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT:
– Sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là sản phẩm công nghiệp) gồm: Vật liệu, máy móc và các trang thiết bị được sử dụng trong đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa.
2. Thẩm định thiết kế
Theo Điều 9 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT:
– Tổ chức, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền.
– Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đầy đủ thì hẹn thời gian trả kết quả.
– Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị theo quy định, trong thời hạn 20 ngày làm việc đối với thiết kế loại phương tiện đóng bằng vật liệu mới, công dụng mới hoặc các phương tiện hoạt động tuyến vận tải đường thủy nội địa ven biển, từ bờ ra đảo, giữa các đảo; phương tiện chở khí hóa lỏng, chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu dầu có nhiệt độ chớp cháy nhỏ hơn hoặc bằng 60 °C, có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên; tàu khách cao tốc, tàu đệm khí; nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, tàu chở khách có sức chở từ 100 khách trở lên hoặc trong thời hạn 5 ngày làm việc đối với thiết kế không phải là loại kể trên và tài liệu hướng dẫn, Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền hoàn thành thẩm định hồ sơ thiết kế, tài liệu hướng dẫn:
+ Nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo mẫu quy định tại Thông tư 20/2022/TT-BGTVT, cấp Thông báo thẩm định tài liệu hướng dẫn/thiết kế theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này;
+ Nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để khắc phục các tồn tại.
– Đối với các hồ sơ thiết kế đã khắc phục các tồn tại theo thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc đơn vị đăng kiểm được Cục Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền, kể từ ngày nhận hồ sơ thiết kế đã khắc phục, trong thời hạn 02 ngày làm việc hoàn thành thẩm định hồ sơ thiết kế:
+ Nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế đã nêu trên;
+ Nếu không đạt thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để hoàn thiện lại.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện không phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan đăng kiểm thẩm định theo điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 135/2015/NĐ-CP.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuộc diện đăng kiểm mà không có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định theo điểm a khoản 2 Điều này.
Kết luận: Để được Cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phương tiện thủy nội địa và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thủy nội địa, tổ chức cá nhân cần nộp hồ sơ và được cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thực hiện các công việc kiểm định theo quy định tại Thông tư 48/2015/TT-BGTVT, Thông tư 20/2022/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: