34. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ
Cơ sở sản xuất được tiến hành sản xuất, lắp ráp sản phẩm khi đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung này theo Thông tư 16/2014/TT-BGTVT, Thông tư 42/2018/TT-BGTVT và Thông tư 199/2016/TT-BTC như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (sau đây gọi tắt là Xe) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có hai trục, bốn bánh xe, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một xát xi (tương tự xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg). Xe sử dụng động cơ xăng, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15 kW, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg. (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT).
Linh kiện là các hệ thống, động cơ, khung, cụm chi tiết và các chi tiết được sử dụng để lắp ráp Xe. (Khoản 3 Điều 3 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT)
Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong khai thác sử dụng (sau đây gọi tắt là kiểm tra lưu hành) là việc tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ để chứng nhận xe có đủ điều kiện tham gia giao thông trong phạm vi, tuyến đường hoạt động và thời gian hoạt động theo quy định riêng của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.( Khoản 12 Điều 3 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT)
2. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ
Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm được quy định chi tiết tại Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT.
Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm quy định tại Điều 7 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT, Khoản 1 Điều 8 Thông tư 42/2018/TT-BGTVT. Cơ sở sản xuất chỉ được tiến hành sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiêp theo sau khi đã được cấp giấy chứng nhận và phải đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, mẫu điển hình đã được thử. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm xuất xưởng.
Lưu ý:
– Hồ sơ đăng ký chứng nhận đối với linh kiện không áp dụng đối với động cơ nguyên chiếc nhập khẩu. (khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT).
– Cục đăng kiểm Việt Nam có thể tiến hành kiểm tra đột xuất. Trường hợp kết quả kiểm tra đột xuất cho thấy Cơ sở sản xuất vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ thu Giấy chứng nhận hoặc áp dụng hình thức giám sát Kiểm tra xuất xưởng. (khoản 2 Điều 8 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT).
3. Đánh giá hàng năm, đánh giá bổ sung Giấy chứng nhận
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu của Cơ sở sản xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá các Giấy chứng nhận đã cấp theo nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT như sau:
– Đánh giá COP theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 của Thông tư 16/2014/TT-BGTVT;
– Lấy mẫu ngẫu nhiên trong số các sản phẩm cùng kiểu loại tại Cơ sở sản xuất, yêu cầu thử nghiệm mẫu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 16/2014/TT-BGTVT. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuyển mẫu tới địa điểm thử nghiệm.
Cơ sở sản xuất phải tiến hành các thủ tục chứng nhận bổ sung khi các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận thay đổi hoặc khi sản phẩm có các thay đổi ảnh hưởng tới sự phù hợp của kiểu loại sản phẩm đó so với quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Cơ sở sản xuất nộp bổ sung các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT sau:
– Các tài liệu liên quan tới sự thay đổi của sản phẩm;
– Báo cáo kết quả thử nghiệm lại sản phẩm theo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới.
Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm sẽ không còn giá trị khi vi phạm một trong các quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT sau:
– Sản phẩm không còn thỏa mãn các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành hoặc sản phẩm có sự thay đổi, không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận đã cấp mà Cơ sở sản xuất không thực hiện việc chứng nhận bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này;
– Cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng;
– Cơ sở sản xuất không thực hiện việc triệu hồi đối với sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Thông tư 16/2014/TT-BGTVT.
Các giấy chứng nhận không còn giá trị được thông báo cho Cơ sở sản xuất bằng văn bản và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Kết luận: Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm quy định tại Điều 7 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT, Khoản 1 Điều 8 Thông tư 42/2018/TT-BGTVT. Cơ sở sản xuất chỉ được tiến hành sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiếp theo sau khi đã được cấp giấy chứng nhận và phải đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, mẫu điển hình đã được thử nghiệm. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm xuất xưởng. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu của Cơ sở sản xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá các giấy chứng nhận đã cấp theo nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư 16/2014/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: