42. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp

Posted on

Nhằm đảm bảo cho chất lượng xe đạp điện được bảo đảm chất lượng tại cơ sở sản xuất. Các cơ sở sản xuất cần tiến hành thủ tục để được Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này theo quy định của Thông tư 41/2013/TT-BGTVT; Thông tư 42/2018/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Xe đạp điện là Xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg (khoản 1 Điều 3 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT).

Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Xe có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật theo quy định (khoản 6 Điều 3 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT).

Những cơ sở sản xuất xe đạp điện thuộc đối tượng trên được lắp ráp trong nước và nhập khẩu tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp.

Lưu ý:

Một số trường hợp xe đạp điện không thuộc diện đăng ký cấp giấy chứng nhận  bao gồm (khoản 2 Điều 1 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

– Xe đạp điện nhập khẩu, tạm nhập khẩu với số lượng 01 chiếc không nhằm mục đích thương mại.

– Xe mô tô điện, xe gắn máy điện thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 44/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư 45/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.

2. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp

Thủ tục cấp giấy chứng nhận được tiến hành khi cơ sở sản xuất tiến hành nộp đơn tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Khi đó việc kiểm tra chất lượng đối với Xe sản xuất, lắp ráp được thực hiện trên cơ sở đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại Cơ sở sản xuất (sau đây gọi tắt là đánh giá COP).

=> Điều kiện kiểm tra chất lượng xe lắp ráp, nhập khẩu đối với cơ sở sản xuất

2.1. Điều kiện của cơ sở sản xuất

Cơ sở sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu sau (khoản 2 Điều 6 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Có quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ sản xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng cho từng kiểu loại Xe từ khâu kiểm soát chất lượng linh kiện đầu vào, kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn và xuất xưởng để đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn và tính năng kỹ thuật của Xe;

– Có đủ các thiết bị kiểm tra cần thiết cho từng công đoạn sản xuất phù hợp với quy trình sản xuất, lắp ráp đã đề ra;

– Có đủ nguồn nhân lực thực hiện việc sản xuất và kiểm tra chất lượng phù hợp với quy trình sản xuất, lắp ráp đã đề ra.

2..2. Nội dung đánh giá COP 

Nội dung đánh giá COP bao gồm (khoản 2 Điều 6 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng: kiểm tra linh kiện đầu vào, kiểm tra trên từng công đoạn, kiểm tra xuất xưởng;

– Trang thiết bị kiểm tra chất lượng;

– Nguồn nhân lực thực hiện việc kiểm tra chất lượng.

2.3. Các hình thức đánh giá

Việc đánh giá COP được tiến hành theo các hình thức bao gồm (khoản 3 Điều 6 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Đánh giá COP lần đầu được thực hiện khi cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật cho Xe;

– Đánh giá COP hàng năm được thực hiện định kỳ hàng năm;

– Đánh giá COP đột xuất được thực hiện khi Cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hoặc khi có các khiếu nại về chất lượng Xe;

Đối với các kiểu loại Xe tương tự, không có sự thay đổi cơ bản về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng Xe thì có thể sử dụng kết quả đánh giá COP trước đó.

3. Đánh giá hằng năm, đánh giá bổ sung Giấy chứng nhận

3.1. Đánh giá hằng năm Giấy Chứng nhận

Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu của Cơ sở sản xuất, Cơ quan QLCL tiến hành đánh giá các Giấy chứng nhận đã cấp theo nội dung sau (khoản 1 Điều 11 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Đánh giá COP theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

– Lấy mẫu ngẫu nhiên trong số các Xe cùng kiểu loại tại Cơ sở sản xuất, yêu cầu thử nghiệm mẫu tại địa điểm thử nghiệm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuyển mẫu tới địa điểm thử nghiệm.

3.2. Đánh giá bổ sung Giấy Chứng nhận

Cơ sở sản xuất phải tiến hành các thủ tục chứng nhận bổ sung khi các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến kiểu loại Xe đã được chứng nhận thay đổi hoặc khi Xe có các thay đổi ảnh hưởng tới sự phù hợp của kiểu loại Xe đó so với quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Cơ sở sản xuất nộp bổ sung các tài liệu sau (khoản 2 Điều 11 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Các tài liệu liên quan tới sự thay đổi của Xe;

– Báo cáo kết quả thử nghiệm lại Xe theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới.

3.3. Giấy chứng nhận Xe sản xuất, lắp ráp sẽ không còn giá trị khi (khoản 3 Điều 11 Thông tư 41/2013/TT-BGTVT):

– Xe không còn thỏa mãn các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành hoặc Xe có sự thay đổi, không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận đã cấp mà Cơ sở sản xuất không thực hiện việc chứng nhận bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này;

– Cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng Xe;

– Cơ sở sản xuất không thực hiện việc triệu hồi đối với Xe bị lỗi kỹ thuật theo quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này.

Lưu ý:

– Các giấy chứng nhận không còn giá trị được thông báo cho Cơ sở sản xuất bằng văn bản và công bố trên trang thông tin điện tử của Cơ quan QLCL.

Kết luận: Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của xe đạp điện sẽ được cấp trong phạm vi 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thành phần hồ sơ theo quy định, Cơ quan QLCL tiến hành kiểm tra nội dung hồ sơ đăng ký và thực hiện đánh giá COP. Đồng thời, khi thực hiện cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư 41/2013/TT-BGTVT; Thông tư 42/2018/TT-BGTVT  Quyết định 52/QĐ-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp