47. Cấp Giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị
Cấp giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị là thủ tục quan trọng trong lĩnh vực giao thông đường sắt. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp nội dung cụ thể về vấn đề này theo quy định của Luật Đường sắt 2017, Nghị định 65/2018/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 31/2018/TT-BGTVT và Quyết định số 52/QĐ-BGTVT như sau:
1. Khái niệm
An toàn hệ thống là việc đảm bảo an toàn bằng cách áp dụng có hệ thống các biện pháp kỹ thuật, công cụ quản lý để xác định các nguy cơ, kiểm soát các rủi ro nhằm đạt được các mục tiêu về độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn (khoản 1 Điều 3 Thông tư 31/2018/TT-BGTVT).
Thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống là việc kiểm tra thủ tục, hồ sơ và xem xét các quy trình thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận phù hợp với quy định của Thông tư này (khoản 11 Điều 3 Thông tư
31/2018/TT-BGTVT).
Giấy chứng nhận an toàn hệ thống là chứng chỉ của Tổ chức chứng nhận xác nhận tuyến đường sắt đô thị được thiết kế, xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn quản lý an toàn và đủ điều kiện an toàn vận hành (khoản 6 Điều 3 Thông tư 31/2018/TT-BGTVT).
Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị là việc đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đối với các hạng mục công việc thực hiện và xác nhận tuyến đường sắt đô thị đảm bảo an toàn vận hành (khoản 4 Điều 3 Thông tư 31/2018/TT-BGTVT).
2. Cấp giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị
Để được cấp giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị thì phải trải qua quá trình thẩm định các nội dung quy định tại Điều 11 Thông tư 31/2018/TT-BGTVT bao gồm:
– Kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ theo quy định, cụ thể là việc thẩm định sẽ được thực hiện đối với từng hạng mục công việc nêu trong Đề cương đánh giá, chứng nhận, tương ứng với từng hạng mục công việc.
– Xem xét quy trình thực hiện và kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận đối với các nội dung như sau:
+ Đánh giá độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hệ thống sau: phương tiện; hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu; hệ thống cung cấp điện sức kéo; cửa chắn ke ga (nếu có).
+ Đánh giá rủi ro phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, trên cầu cạn, trong đường hầm, nhà ga; đánh giá rủi ro kiểm soát khói, thoát nhiệt, thông gió trong đường hầm.
+ Đánh giá tương thích điện từ.
+ Đánh giá tích hợp hệ thống.
+ Đánh giá thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống.
+ Đánh giá Hệ thống quản lý an toàn vận hành.
+ Các nội dung đánh giá khác theo yêu cầu của Chủ đầu tư.
– Kiểm tra sự phù hợp của các nội dung công việc đã thực hiện với Đề cương đánh giá, chứng nhận.
3. Xử lý vi phạm
Trường hợp không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhân thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị nhưng vẫn đưa vào khai thác thì doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đó có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 20.000.0000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị đưa vào vận hành, khai thác đường sắt đô thị không có Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị theo quy định.
Kết luận: Để được cấp giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị thì doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Luật Đường sắt 2017, Nghị định 65/2018/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 31/2018/TT-BGTVT và Quyết định số 52/QĐ-BGTVT.
Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:
Cấp Giấy Chứng Nhận Thẩm Định An Toàn Hệ Thống Đối Với Đường Sắt Đô Thị