60. Cấp đổi, cấp lại.Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (xe ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP)
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ phát sinh việc cấp lại giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (xe ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội đung đó theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, Thông tư 199/2016/TT-BTC, Thông tư 25/2019/TT-BGTVT và Quyết định 1032/QĐ-BGTVT 2020 như sau:
1. Khái niệm
Ô tô là loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm các chủng loại ô tô con, ô tô khách, ô tô tải và ô tô chuyên dùng được định nghĩa tại TCVN 6211: Phương tiện giao thông đường bộ – Kiểu – Thuật ngữ và định nghĩa; TCVN 7271: Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng và ô tô sát xi. (khoản 4 Điều 3 Nghị định 116/2017/NĐ-CP)
Chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm là quá trình kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của một kiểu loại sản phẩm với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; (khoản 6 Điều 3 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT)
Cơ quan quản lý chất lượng (gọi tắt là Cơ quan QLCL) là Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; (khoản 10 Điều 3 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT)
2. Sản xuất, lắp ráp ô tô
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Nghị định 116/2017/NĐ-CP sản xuất, lắp ráp ô tô là:
– Quá trình tạo ra sản phẩm ô tô hoàn chỉnh, ô tô sát xi có buồng lái, ô tô sát xi không có buồng lái (khung gầm có gắn động cơ) từ các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận, tổng thành, hệ thống;
– Quá trình tạo ra ô tô hoàn chỉnh, ô tô sát xi có buồng lái từ ô tô sát xi không có buồng lái.
3. Các trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (xe ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP):
Theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT, các trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm là:
– Trường hợp bị mất, hỏng;
– Trường hợp hết hiệu lực;
– Trường hợp thay đổi nội dung thông tin về tên, địa chỉ liên quan đến doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận.
4. Nội dung cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (xe ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP):
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT, theo đó:
– Đối với trường hợp bị mất, hỏng hoặc thay đổi nội dung thông tin về tên, địa chỉ liên quan đến doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận thì ngoài đơn đề nghị không phải bổ sung nội dung nào khác.
– Đối với trường hợp hết hiệu lực thì ngoài đơn đề nghị, doanh nghiệp cần bổ sung những nội dung sau khi có sự thay đổi:
+ Thông tin đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại đối với linh kiện thuộc đối tượng phải kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận.
+ Thông tin đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại đối với ô tô.
Lưu ý: Miễn nộp các tài liệu nếu không có sự thay đổi so với các tài liệu đã nộp trong hồ sơ đăng ký chứng nhận của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận.
5. Hồ sơ và trình tự thực hiện
5.1. Hồ sơ
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT hồ sơ cấp lại gồm các tài liệu sau:
– Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này;
– Các tài liệu nêu tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 7 của Thông tư này đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận do hết hiệu lực. Miễn nộp các tài liệu nếu không có sự thay đổi so với các tài liệu đã nộp trong hồ sơ đăng ký chứng nhận của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận.
5.2. Trình tự thực hiện
Trình tự thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT:
– Doanh nghiệp lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua cổng thông tin điện tử hoặc hình thức phù hợp khác đến Cơ quan QLCL;
– Cơ quan QLCL tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cơ quan QLCL trả lại hồ sơ trong ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trả lại hồ sơ trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đối với các hình thức nộp khác, hướng dẫn để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ;
– Cơ quan QLCL kiểm tra nội dung hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ và có kết quả đánh giá COP phù hợp thì cấp lại Giấy chứng nhận trong vòng 02 ngày làm việc đối với trường hợp bị mất, hỏng hoặc thay đổi thông tin về tên, địa chỉ liên quan đến doanh nghiệp trên Giấy chứng nhận; hoặc trong vòng 03 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận do hết hiệu lực.
Lưu ý: Để cấp lại Giấy chứng nhận đối với trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực Cơ quan QLCL lấy mẫu ngẫu nhiên trong lô sản phẩm sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu để thử nghiệm theo quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng tại Việt Nam.
6. Hiệu lực Giấy chứng nhận cấp lại
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT hiệu lực Giấy chứng nhận cấp lại do bị mất, hỏng hoặc do thay đổi thông tin về tên, địa chỉ liên quan đến doanh nghiệp được lấy theo hiệu lực của Giấy chứng nhận của kiểu loại sản phẩm đã cấp.
7. Phí và lệ phí
Về phí, lệ phí theo Biểu mức thu phí, lệ phí kèm theo Thông tư số 199/2016/TT-BTC:
– Lệ phí cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho xe cơ giới; linh kiện: 50.000 đồng/Giấy chứng nhận;
– Lệ phí cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương): 100.000 đồng/Giấy chứng nhận.
Kết luận: Để cấp lại giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (xe ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP) thì doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp lại đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, đồng thời đáp ứng đầy đủ trình tự, hồ sơ tại Điều 7, 11 Thông tư 25/2019/TT-BGTVT, Thông tư 199/2016/TT-BTC và Quyết định 1032/QĐ-BGTVT 2020.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp lại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (xe ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP)