3. Sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp tỉnh
Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện thủ tục sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp tỉnh nếu có có nhu cầu sang tên, di chuyển. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa thủ tục này thông qua các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
1. Đối tượng đăng ký sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp tỉnh
Theo Điều 11 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT quy định:
– Đối tượng thực hiện đăng ký sang tên, di chuyển xe máy chuyên dùng đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là chủ sở hữu xe máy chuyên dùng được mua bán, được cho, tặng, thừa kế khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì:
– Xe máy chuyên dùng được hiểu là các loại xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.
2. Thủ tục sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp tỉnh
Đối với xe máy chuyên dùng:
Theo Điều 11, Điều 13 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT, thủ tục sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác được thực hiện như sau:
Chủ sở hữu xe máy chuyên dùng lập 01 bộ hồ sơ và nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải nơi xe máy chuyên dùng được chuyển đến. Khoản 1 Điều 13 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT quy định thành phần của bộ hồ sơ gồm:
– Tờ khai đăng ký xe máy chuyên dùng theo mẫu quy định tại mẫu số 2 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
– Bản chính Phiếu di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng đã đươc Sở Giao thông vận tải cấp kèm theo hồ sơ xe máy chuyên dùng đã đăng ký. Việc cấp phiếu di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT như sau:
Chủ sở hữu phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ di chuyển đăng ký cho Sở Giao thông vận tải nơi xe máy chuyên dùng đã đăng ký. Thành phần của hồ sơ được quy định tại khoản 1 Điều 12:
+ Tờ khai di chuyển đăng ký xe máy chuyên dùng theo mẫu số 9 của Phụ lục 2 được ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
+ Bản chính giấy tờ xác định quyền sở hữu theo quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT, bao gồm một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán, cho tặng hoặc văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật; Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính; Văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý thanh lý xe theo quy định của pháp luật; Văn bản của bên cho thuê tài chính đồng ý cho bên thuê xe máy chuyên dùng được đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; Quyết định tiếp nhận viện trợ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Quyết định xuất, bán hàng dự trữ quốc gia của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 19 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT, nếu nhiều xe chung một giấy tờ xác định quyền sở hữu kể trên thì tổ chức, cá nhân khi đăng ký phải nộp bản chính và bản sao cho mỗi xe tại Sở Giao thông vận tải nơi đăng ký (trừ trường hợp xe máy chuyên dùng chưa đăng ký, khi di chuyển trên đường bộ phải đăng ký tạm thời). Sở Giao thông vận tải nơi đăng ký có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản với tổ chức, cá nhân đăng ký về việc đang lưu giữ bản chính.
+ Giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng đã được cấp (bản sao và xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
Lưu ý: Điều 11 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT đưa ra ngoại lệ đối với trường hợp di chuyển xe máy chuyên dùng ở khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng không thay đổi chủ sở hữu. Khi đó, trong hồ sơ di chuyển đăng ký không cần phải có bản chính giấy tờ xác định quyền sở hữu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Thông tư này.
3. Thời hạn giải quyết yêu cầu
Đối với trường hợp xe máy chuyên dùng:
Theo điểm b khoản 2 Điều 13 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT, Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, kiểm tra nội dung hồ sơ và có kết quả thông báo cho chủ sở hữu trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải hướng dẫn chủ sở hữu bổ sung, hoàn thiện lại.
Trường hợp hồ sơ đăng ký đầy đủ theo quy định thì Sở Giao thông vận tải và chủ sở hữu xe máy chuyên dùng thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 22/2019/TT-BGTVT. Cụ thể:
- Điểm b khoản 2quy định Sở Giao thông vận tải có Giấy hẹn kiểm tra theo mẫu số 5 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT. Thời gian kiểm tra xe máy chuyên dùng không quá 05 ngày kể từ ngày viết giấy hẹn.
– Khoản 3 quy định Sở Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra xe máy chuyên dùng theo thời gian và địa điểm ghi trong giấy hẹn, việc kiểm tra xe máy chuyên dùng phải lập thành Biên bản kiểm tra xe máy chuyên dùng theo mẫu số 6 của Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
– Khoản 4 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hoặc nhận được kết quả kiểm tra đối với trường hợp xe máy chuyên dùng đang hoạt động, tập kết ngoài địa phương cấp đăng ký: trường hợp kết quả kiểm tra các hạng mục trong Biên bản đạt yêu cầu, Sở Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký, biển số cho chủ sở hữu xe máy chuyên dùng và vào sổ quản lý đăng ký xe máy chuyên dùng; trường hợp kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì thông báo cho chủ phương tiện và nêu rõ lý do.
Trường hợp Sở Giao thông vận tải không cấp giấy chứng nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Xử lý vi phạm
Nếu các cá nhân, tổ chức, cơ quan không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
– Điểm a khoản 4 Điều 30 quy định trong trường hợp không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng; đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thì bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.
– Điểm l khoản 7 Điều 30 quy định trong trường hợp không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
Kết luận: Khi thực hiện thủ tục sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng ký và cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải thực hiện theo đúng quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 22/2019/TT-BGTVT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tại Công an cấp tỉnh