7. Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

Posted on

Khi nhà đầu tư không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh tại nước ngoài và chấm dứt dự án, nhà đầu tư cần làm thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài và trả lại Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đã được cấp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên dựa theo những quy định tại Luật đầu tư 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CPThông tư 03/2021/TT-BKHĐT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định (Khoản 4 Điều 3 Luật đầu tư 2020).

Cơ quan đăng ký đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Khoản 2 Điều 3 Luật đầu tư 2020).

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư (Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư 2014).

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. (Khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2020).

2. Các trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

Dự án đầu tư ra nước ngoài chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau (Khoản 1 Điều 64 Luật Đầu tư 2020)

– Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;

– Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 62 của Luật Đầu tư là trường hợp hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư mà nhà đầu tư không làm thủ tục gia hạn hoặc không được gia hạn hoạt động đầu tư.

– Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

– Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;

– Quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà dự án đầu tư không được nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận, hoặc quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận mà dự án đầu tư không được triển khai;

– Quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ đầu tư;

–  Quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư mà nhà đầu tư không có văn bản báo cáo về tình hình hoạt động của dự án đầu tư;

– Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

– Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài.

Lưu ý:

Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại nước ngoài theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư và thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. (Khoản 2, 3 Điều 64 Luật Đầu tư 2020)

3. Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

-Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Đầu tư, trước khi thực hiện việc chuyển toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài và chấm dứt dự án, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Khoản 5 Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

– Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 của Luật Đầu tư mà nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ Luật Đầu tư và Nghị định này, thực hiện chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Sau khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bị chấm dứt hiệu lực, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này. (Khoản 6 Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

– Đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư, cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài thực hiện chấm dứt dự án và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài. (Khoản 7 Điều 87 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

4. Xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khác không giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và tranh chấp giữa nhà đầu tư với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư. (Khoản 4 Điều 6 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

-Trường hợp phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế, việc phối hợp giải quyết tranh chấp thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.(Khoản 5 Điều 9 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

Kết luận: Khi Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại  Luật đầu tư 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CPThông tư 03/2021/TT-BKHĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài