7. Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản

Posted on

Trong một số trường hợp, tổ chức cá nhân có nhu cầu tiến hành thủ tục Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 158/2016/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP, Thông tư 45/2016/TT-BTNMT.

1. Khái niệm

Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ. (khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010)

Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan. (khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010)

Khu vực khai thác khoáng sản là khoảng không gian nằm trong biên giới kết thúc khai thác của mỏ được xác định trong Dự án đầu tư/Báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản phù hợp với trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác thuộc phạm vi ranh giới tọa độ, diện tích, độ sâu ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản. (khoản 2 Điều 3 Nghị định 36/2020/NĐ-CP)

Đề nghị trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản là quyền được phép của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. (điểm đ khoản 1 Điều 55 Luật Khoáng sản 2010)

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

Theo quy định tại Điều 55 Luật Khoáng sản 2010 thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có quyền và nghĩa vụ:

–  Quyền:

+ Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được khai thác.

+ Tiến hành khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác khoáng sản.

+ Được thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép khai thác, nhưng phải thông báo khối lượng, thời gian thăm dò nâng cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước khi thực hiện.

+ Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

+ Đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản;

+ Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản;

+ Khiếu nại,khởi kiện quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản; quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai phù hợp với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ đã được phê duyệt;

+ Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ:

+ Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật.

+ Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ.

+ Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

+ Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản, thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường.

+ Thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản và khai thác khoáng sản.

+ Báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

+ Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước cho phép trong khu vực khai thác khoáng sản.

+ Đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt  hiệu lực.

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản (cấp tỉnh)

3.1. Thẩm quyền của cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố. (khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010)

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thì có quyền gia hạn, thu hồi, chấp thuận trả lại loại giấy phép đó; chấp thuận trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản; chấp thuận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

3.2. Tiếp nhận hồ sơ (khoản 1 Điều 65 Nghị định 158/2016/NĐ-CP)

– Tổ chức, cá nhân đề nghị trả lại một phần diện tích, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản nộp hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

– Trong thời gian không quá 05 ngày, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra văn bản, tài liệu có trong hồ sơ. Trường hợp văn bản, tài liệu theo đúng quy định thì cơ quan tiếp nhận ban hành phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ văn bản, tài liệu theo quy định hoặc đủ nhưng nội dung văn bản, tài liệu trong hồ sơ chưa bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Việc hướng dẫn, yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ thực hiện một lần.

3.3. Thời hạn giải quyết (khoản 2 điều 60 Luật Khoáng sản)

Thời hạn giải quyết hồ sơ trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản được quy định như sau:

+ Tối đa là 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;

+ Tối đa là 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với hồ sơ gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản.

Lưu ý:

Trường hợp phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề liên quan đến việc cấp, gia hạn, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản thì thời gian lấy ý kiến không tính vào thời hạn quy định trên.

3.4. Một số lưu ý

–  Khi trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện (khoản 1 điều 46 Nghị định 158/2016/NĐ-CP)

– Trường hợp đóng cửa mỏ để trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản thì nội dung đóng cửa mỏ được thể hiện đồng thời trong quyết định cho phép trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản. (điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 45/2016/TT-BTNMT)

– Trường hợp muốn đóng cửa mỏ để trả lại phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản đó phê duyệt để thực hiện, đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường. (khoản 2 Điều 44 Nghị định 158/2016/NĐ-CP)

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản (cấp tỉnh) thì các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 158/2016/NĐ-CP, Nghị định 36/2020/NĐ-CP, Thông tư 45/2016/TT-BTNMT

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản (cấp tỉnh).