11. Cấp phép thi công công trình đường bộ trên quốc lộ đang khai thác
Nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đường bộ trên quốc lộ và trật tư an toàn giao thông trên đoạn đường quốc lộ, công trình đường bộ trên quốc lộ đang khai thác cần được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công. Dữ liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục Cấp phép thi công công trình đường bộ trên quốc lộ đang khai thác theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT.
1. Khái quát chung
– Theo khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008: Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ.
– Theo khoản 2 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008: Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
– Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực (điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Giao thông đường bộ 2008)
– Theo Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ
– Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
– Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác.
– Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp.
– Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Lưu ý:
– Theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ phải thực hiện các quy định sau đây:
– Lập và duyệt dự án, thiết kế theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng;
– Có văn bản chấp thuận ngay từ khi lập dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sau đây trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt:
+ Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đối với công trình thiết yếu trên hệ thống đường quốc lộ, đường cao tốc;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận đối với công trình thiết yếu trên các hệ thống đường bộ địa phương.
– Có Giấy phép thi công bảo đảm an toàn giao thông của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền”.
2. Cấp phép thi công công trình đường bộ trên quốc lộ đang khai thác
– Khoản 7 Điều 1 Thông tư 35/2017/TT-BGTVT quy định về cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của quốc lộ đang khai thác:
+ Cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công là Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải được giao quản lý tuyến và các tuyến đầu tư xây dựng, vận hành khai thác theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý.
+ Hồ sơ đề nghị cấp phép thi công công trình thiết yếu bao gồm:
++ Đơn đề nghị cấp phép thi công công trình theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13, đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục số 1a ban hành kèm theo Thông tư này;
++ Văn bản chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 13;
++ 02 (hai) bộ hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công và biện pháp tổ chức thi công đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (bản chính). Nội dung bản vẽ thiết kế thi công thể hiện quy mô công trình, hạng mục công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nội dung quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13; biện pháp tổ chức thi công thể hiện phương án thi công phương án bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng, an toàn giao thông và tổ chức giao thông.
Thời hạn cấp giấy phép thi công không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định; thời hạn chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu không quá 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
– Theo Điều 19 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT:
+ Đối với trường hợp nộp trực tiếp: sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.
+ Đối với trường hợp nộp gián tiếp (qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác), cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện.
+ Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, có văn bản chấp thuận hoặc cấp Giấy phép thi công. Trường hợp không chấp thuận hoặc không cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Theo Điều 47 Luật Giao thông đường bộ 2008:
– Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng.
– Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
– Đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
– Thi công công trình trên đường đô thị phải tuân thủ các quy định trên và các quy định sau đây:
+ Chỉ được đào đường để sửa chữa công trình hoặc xây dựng mới hầm kỹ thuật dọc theo đường hoặc ngang qua đường nhưng phải có kế hoạch hàng năm thống nhất trước với cơ quan quản lý đường bộ, trừ trường hợp có sự cố đột xuất;
+ Phải có phương án thi công và thời gian thi công thích hợp với đặc điểm từng đường phố để không gây ùn tắc giao thông;
+ Khi thi công xong phải hoàn trả phần đường theo nguyên trạng; đối với công trình ngầm phải lập hồ sơ hoàn công và chuyển cho cơ quan quản lý đường bộ”.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
– Theo điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không thực hiện theo đúng các quy định trong Giấy phép thi công hoặc trong văn bản thỏa thuận thi công của cơ quan có thẩm quyền, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, điểm a khoản 4, khoản 5 Điều này.
– Theo điểm a khoản 3 Điều 13 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ có Giấy phép thi công nhưng đã hết thời hạn ghi trong Giấy phép hoặc có văn bản thỏa thuận thi công của cơ quan có thẩm quyền nhưng đã hết thời hạn thi công ghi trong văn bản.
– Theo điểm b khoản 4 Điều 13 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi: Thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có Giấy phép thi công hoặc không có văn bản thỏa thuận thi công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
Kết luận: Việc Cấp phép thi công công trình đường bộ trên quốc lộ đang khai thác cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp phép thi công công trình đường bộ trên quốc lộ đang khai thác