17. Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Posted on

Cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng là một thủ tục hành chính do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện để được cấp lại Giấy phép kinh doanh. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT như sau:

1. Khái niệm

Đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. (khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP)

2. Kinh doanh vận tải

2.1 Kinh doanh vận tải hành khách

Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt). (khoản 3 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định. (khoản 4 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (sau đây gọi là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe). (khoản 7 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe) để vận chuyển khách du lịch theo chương trình du lịch. (khoản 8 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP)

2.2 Kinh doanh vận tải hàng hóa

Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1.500 ki-lô-gam trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê vận tải trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe niêm yết chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh. (khoản 1 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng: (khoản 2 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

+ Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng là việc sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển loại hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời;

+ Khi vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành (Giấy phép sử dụng đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm là việc sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp. (khoản 3 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ là việc sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc để vận chuyển công-ten-nơ. (khoản 4 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa trừ các hình thức kinh doanh vận tải quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này. (khoản 5 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

Lưu ý:

Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”, xe ô tô tải kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải phải có phù hiệu “XE TẢI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. (khoản 6 Điều 9 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

3. Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô

3.1.Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

– Phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống;

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất);

– Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

– Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất). Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 ki-lô-mét, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 ki-lô-mét trở xuống.

Riêng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất).

Lưu ý:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;

Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

3.2. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô (Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)

– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

Lưu ý:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:

– Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;

– Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

4. Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP:

– Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là Giấy phép kinh doanh).

– Nội dung Giấy phép kinh doanh bao gồm:

+ Tên và địa chỉ đơn vị kinh doanh;

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) bao gồm: Số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp;

+ Người đại diện theo pháp luật;

+ Các hình thức kinh doanh;

+ Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh.

– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP: Trường hợp cấp lại Giấy phép kinh doanh do bị mất hoặc bị hư hỏng, hồ sơ gồm: Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

Lưu ý: Căn cứ Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, thủ tục cấp lại Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng được quy định như sau:

– Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Nghị định này. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

6. Xử phạt hành chính

Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 28 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện hành vi kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

Kết luận: Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng là một thủ tục hành chính do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện để được cấp lại Giấy phép kinh doanh. Khi thực hiện thủ tục này, các đơn vị kinh doanh vận tải cần phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng