3. Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút đấu nối tạm thời có thời hạn vào quốc lộ

Posted on

Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút đấu nối tạm thời có thời hạn vào quốc lộ là một thủ tục hành chính do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để nhận được văn bản chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Nghị định 125/2018/NĐ-CP, Nghị định 100/2013/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT.

1. Khái niệm

Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. (khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác. (khoản 2 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ. (khoản 3 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)

Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Giao thông đường bộ 2008:

Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng, trong đó quốc lộ được quy định như sau:

Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực.

2. Đấu nối vào quốc lộ

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ 2008 về bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ, việc đấu nối được quy định như sau:

– Trường hợp có đường nhánh thì đường gom phải nối vào đường nhánh;

– Trường hợp đường nhánh, đường gom nối trực tiếp vào đường chính thì điểm đấu nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế;

Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại – dịch vụ và công trình khác vào đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

a) Các đường đấu nối vào quốc lộ

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 29 Nghị định 11/2010/NĐ-CP:

– Các đường đấu nối vào quốc lộ bao gồm:

+ Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị;

+ Đường chuyên dùng;

+ Đường gom.

– Đường nhánh được nối vào quốc lộ phải thông qua điểm đấu nối thuộc Quy hoạch các điểm đấu nối đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê các đường đã đấu nối và lập kế hoạch xử lý phù hợp với quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt.

Các đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh.

Lưu ý:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 20 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT) 

– Đường nhánh đấu nối vào quốc lộ bao gồm:

+ Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị;

+ Đường chuyên dùng gồm: đường lâm nghiệp, đường khai thác mỏ, đường phục vụ thi công, đường khu công nghiệp;

+ Đường gom, đường nối từ đường gom;

+ Đường dẫn ra, vào cửa hàng xăng dầu, đường nối trực tiếp từ các công trình đơn lẻ.

b) Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT:

– Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ quy định tại khoản 1 Điều 20 nằm trong khu vực nội thành, nội thị được xác định theo quy hoạch giao thông đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào quốc lộ quy định tại điểm khoản 1 Điều 20 của Thông tư này nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị:

+ Đối với các tuyến quốc lộ không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến quốc lộ, cụ thể như sau: đối với tuyến đường cấp I, cấp II không nhỏ hơn 5.000 mét, đối với đường cấp III không nhỏ hơn 1.500 mét, đối với đường cấp IV trở xuống không nhỏ hơn 1.000 mét.

+ Đối với các tuyến quốc lộ có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến dọc quốc lộ, cụ thể như sau: đối với tuyến đường cấp I, cấp II không nhỏ hơn 2.000 mét, đường cấp III trở xuống không nhỏ hơn 1.000 mét.

– Khoảng cách tối thiểu giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề (tính từ điểm giữa của cửa hàng) đấu nối đường dẫn ra, vào quốc lộ phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, đồng thời phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa hai cửa hàng xăng dầu, như sau:

+ Trong khu vực nội thành, nội thị: theo quy hoạch đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Ngoài khu vực nội thành, nôi thị: đối với đường có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên của đoạn quốc lộ không nhỏ hơn 6.000 mét; đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên của đoạn tuyến quốc lộ không nhỏ hơn 12.000 mét.

+ Đối với trường hợp cửa hàng xăng dầu nằm ngoài khu vực nội thành, nội thị, giáp ranh với khu vực nội thành, nội thị, khoảng cách tối thiểu giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía được áp dụng như quy định đối với khu vực ngoài đô thị và được tính từ cửa hàng xăng dầu gần nhất trong khu vực nội thành, nội thị.

+ Đối với các đoạn tuyến quốc lộ chạy dọc, liền kề với tuyến đường sắt, sông suối, vực sâu, khoảng cách tối thiểu giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề được áp dụng như quy định đối với tuyến đường có dải phân cách giữa.

+ Đối với cửa hàng xăng dầu được quy hoạch ở lân cận hoặc trùng với điểm đấu nối của đường nhánh khác, phải điều chỉnh để tại vị trí đó chỉ tồn tại một điểm đấu nối theo hướng ưu tiên điểm đấu nối của công trình có trước hoặc sử dụng chung.

– Trường hợp khu vực có địa hình mà hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời; các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khoảng cách giữa hai điểm đấu nối phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận và đáp ứng các điều kiện kỹ thuật sau:

+ Đảm bảo các yếu tố hình học tại vị trí đấu nối, tuân thủ theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành;

+ Đảm bảo điều kiện về an toàn giao thông, tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện thực tế tại vị trí đấu nối.

Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Nghị định 11/2010/NĐ-CP: Việc thiết kế nút giao của đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải thực hiện theo Tiêu chuẩn Quốc gia về đường ô tô.

3. Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào quốc lộ

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 26 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT)

– Trước khi nâng cấp, cải tạo nút giao; chủ công trình, dự án được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao sử dụng điểm đấu nối thuộc quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt, căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành, lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để được xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào quốc lộ.

– Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thiết kế kỹ thuật nút giao đấu nối vào quốc lộ bao gồm:

+ Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của nút giao đấu nối liên quan đến đường cấp I, đường cấp II và đường cấp III;

+ Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, lưu giữ hồ sơ của các nút giao đấu nối liên quan đến đường cấp IV trở xuống được giao quản lý.

Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 26 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT),

– Thời hạn giải quyết trong 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

– Các dự án đường bộ xây dựng mới có đấu nối vào quốc lộ đã được Bộ Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt thiết kế kỹ thuật không phải thực hiện bước đề nghị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông.

– Văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao có giá trị trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký ban hành, nếu quá 12 tháng phải thực hiện việc gia hạn. Thủ tục gia hạn như quy định đối với việc gia hạn chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu tại khoản 7 Điều 13 của Thông tư này.

Kết luận: Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút đấu nối tạm thời có thời hạn vào quốc lộ là một thủ tục hành chính do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để nhận được văn bản chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện thủ tục này, các tổ chức hoặc cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 11/2010/NĐ-CP, Thông tư 50/2015/TT-BGTVT, Thông tư 35/2017/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút đấu nối tạm thời có thời hạn vào quốc lộ.