35. Phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc

Posted on

Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư chịu trách nhiệm lập phương án tổ chức giao thông trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc trước khi đưa công trình vào khai thác. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này dựa trên những quy định tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT.

1. Những quy định chung

Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định (khoản 1 Điều 3 Nghị định 32/2014/NĐ-CP).

Tổ chức giao thông trên đường cao tốc là các biện pháp, hành động hướng dẫn, bắt buộc các phương tiện tham gia giao thông tuân thủ các quy tắc giao thông quy định trong Luật Giao thông đường bộ (khoản 5 Điều 3 Nghị định 32/2014/NĐ-CP).

2. Phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc

2.1. Nội dung

– Phương tiện được phép lưu thông trên đường cao tốc;

– Điều kiện sử dụng các làn đường cao tốc khi: Lưu thông bình thường; chuyển làn; quay đầu phương tiện trong trường hợp khẩn cấp; đi qua các trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe; gặp sự cố, tai nạn và trong những trường hợp đặc biệt;

– Danh sách nút giao và các công trình đặc biệt;

– Tốc độ lưu hành cho phép và khoảng cách an toàn giữa các xe;

– Vị trí, thời gian và thời lượng chiếu sáng;

– Tên, vị trí, lý trình và điều kiện sử dụng các trạm dừng nghỉ, nơi dừng, nơi đỗ xe, trạm thu phí và trạm kiểm soát tải trọng xe;

– Quy định về cảnh báo an toàn giao thông khi thực hiện công việc quản lý, bảo trì;

– Số điện thoại khẩn cấp;

– Phương án cứu hộ, cứu nạn;

– Các thông tin được cung cấp thông qua hệ thống giao thông thông minh: Vị trí các vụ tai nạn, sự cố, sự kiện, điều kiện thời tiết, công trường thi công, địa điểm đang hạn chế điều kiện khai thác, các vi phạm quy tắc giao thông, tư vấn hành trình và các nội dung khác;

– Các thông tin khác: Hình thức, công nghệ thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; tên và địa chỉ của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác;

– Phương án tổ chức giao thông đặc biệt (Điều 9 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT).

2.2. Phê duyệt phương án

Thẩm quyền:

+ Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền phê duyệt đối với phương án tổ chức giao thông đối với đường cao tốc do Trung ương quản lý theo đề nghị của chủ đầu tư, nhà đầu tư sau khi có báo cáo thẩm định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền phê duyệt đối với phương án tổ chức giao thông do địa phương quản lý sau khi có báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn trực thuộc và ý kiến thỏa thuận của Bộ Giao thông vận tải (khoản 2 Điều 10 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT).

Hồ sơ:

Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư gửi 02 (hai) bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án tổ chức giao thông trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ bao gồm:

+ Tờ trình phê duyệt (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 90/2014/TT-BGTVT;

+ Phương án tổ chức giao thông;

+ Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác, sử dụng (khoản 3 Điều 10 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT).

Lưu ý:

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm chủ đầu tư, cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án tổ chức giao thông trình Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt (khoản 5 Điều 10 thông tư 90/2014/TT-BGTVT).

Trình tự giải quyết:

+ Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng, chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 (hai) ngày làm việc phải có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

+ Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tổ chức giao thông giao cơ quan quản lý đường cao tốc tiến hành thẩm định hồ sơ trong 5 ngày làm việc.

+ Sau khi có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện, ra quyết định phê duyệt phương án tổ chức giao thông trong thời hạn 03 ngày làm việc. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (khoản 4 Điều 10 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT).

Kết luận: Việc thực hiện phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc cần tuân thủ quy định tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc