44. Cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Posted on

Trường hợp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế hết hạn hoặc bị mất, doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Công mở rộng phải thực hiện thủ tục xin cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế  cho doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, Văn bản hợp nhất số 05/ VBHN-BGTVT 2015, Thông tư 29/2009/TT-BGTVT. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này như sau:

1.Một số khái niệm cơ bản

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.(khoản 7 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014.)

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. (khoản  1 Điều 3 Luật Hợp tác xã).

2. Điều kiện cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Điều kiện cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp hợp tác xã: doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất số 05/ VBHN-BGTVT 2015 như sau:

Tỷ lệ sở hữu vốn: Vốn do công dân Việt Nam nắm giữ trong các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải chiếm từ 51% trở lên trên số vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã;

–  Tỷ lệ nhân viên: Nhân viên có quốc tịch Việt Nam chiếm từ 51% trở lên trong tổng số nhân viên điều hành của doanh nghiệp, hợp tác xã (tính cho các chức danh: giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã, trưởng các bộ phận thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã);

– Độ tin cậy: Doanh nghiệp không vi phạm các quy định về hợp đồng kinh tế và các quy định khác của pháp luật Việt Nam; Doanh nghiệp không bị tuyên bố phá sản hoặc đang trong trình trạng tuyên bố phá sản.

– Trình độ chuyên môn: người điều hành vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác; có 03 năm trở lên công tác liên tục tại đơn vị vận tải hoặc có 03 năm trở lên làm công tác quản lý vận tải (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định chưa cần phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô).

– Năng lực tài chính: Phải sở hữu nguồn tài chính đầy đủ để quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, có đủ nguồn tài chính để chi trả cho các hoạt động vận tải. Trong 3 năm liên tiếp đến thời điểm xin cấp phép hoạt động có lãi.

3. Cấp lại giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã

Hết thời hạn của giấy phép hoặc bị mất giấy phép, doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới theo quy định. (Điểm b Khoản 4 Điều 6 Thông tư 29/2009/TT-BGTVT)

Giấy phép cũ hết hạn phải nộp trả cơ quan cấp phép.

Thời hạn của Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế là 05 năm.( Điểm c Khoản 4 Điều 6 Thông tư 29/2009/TT-BGTVT)

Kết luận: Thủ tục cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã được thực hiện theo quy định của Thông tư 29/2009/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 89/2014/TT-BGTVT và được bãi bỏ một số điều bởi Thông tư 52/2019/TT-BGTVT).

Chi tiết thủ tục, mẫu đơn xem tại đây

Cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế cho doanh nghiệp, hợp tác xã