46. Công bố, công bố lại đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác

Posted on

Trạm dừng nghỉ đường bộ muốn được chính thức đi vào hoạt động thì phải thực hiện thủ tục công bố, công bố lại đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về nội dung này theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 48/2012/TT-BGTVT và Quyết định số 52/QĐ-BGTVT.

1. Một số khái niệm liên quan

– Căn cứ theo Khoản 3 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ”.

– Tại Điểm a Mục 1.4 Thông tư 48/2012/TT-BGTVT quy định: “Trạm dừng nghỉ đường bộ (sau đây gọi là trạm dừng nghỉ) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc tỉnh lộ để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông”.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 83 Luật giao thông đường bộ 2008 thì:

+ Hoạt động của bến xe ô tô khách, bến xe ô tô hàng, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác trạm dừng nghỉ có quyền, nghĩa vụ tổ chức dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; thực hiện công việc theo hợp đồng ủy thác với người vận tải.

2.Quy định chung về kỹ thuật đối với trạm dừng nghỉ

Tại Mục 2.1 Thông tư 48/2012/TT-BGTVT có nêu một số quy định chung về kỹ thuật đối với trạm dừng nghỉ như sau:

Trạm dừng nghỉ phải được xây dựng theo Quy hoạch trạm dừng nghỉ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

– Điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường quốc lộ phải được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải. Điểm đấu nối của đường ra, vào trạm dừng nghỉ với các đường khác (trừ đường quốc lộ) phải được thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp trạm dừng nghỉ được sử dụng cho phương tiện lưu thông trên cả hai chiều của đường cao tốc thì phải có đường đi trên cao hoặc đi ngầm tại nơi giao cắt với đường cao tốc để sang đường. (Theo quy định tại Điều 11, 13 của TCVN 4054: 2005).

– Trạm dừng nghỉ có các chức năng cơ bản sau:

+ Cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi;

+ Quản lý giao thông đường bộ;

+ Cung cấp thông tin;

+ Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội địa phương;

+ Quảng bá bản sắc văn hóa địa phương.

– Các công trình, thiết bị của trạm dừng nghỉ phải được xây dựng, lắp đặt đảm bảo chất lượng và sự bền vững tương ứng với cấp công trình theo quy định tạiTCXDVN 276:2003và các quy định liên quan khác.

– Hệ thống điện, nước, chiếu sáng, thông tin liên lạc của trạm dừng nghỉ phải đảm bảo đồng bộ, hoàn chỉnh, tuân thủ theo các quy định để có thể cung cấp an toàn, liên tục và ổn định các dịch vụ cho người và phương tiện tham gia giao thông theo quy định tại QCVN 07 : 2010/BXD vàTCXDVN 276:2003 .

– Trạm dừng nghỉ phải có điện thoại cố định, được phủ sóng điện thoại di động và có hệ thống thiết bị truyền thanh.

Lưu ý: Theo Mục 3.1.1 Thông tư 48/2012/TT-BGTVT thì: “Đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác trạm dừng nghỉ phải là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.”.

3.Xử lý vi phạm hành chính

– Căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hình thức xử phạt liên quan đến thủ tục công bố đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác thì: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện hành vi tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định.

Về thẩm quyền xử phạt hành chính: Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm (theo Điểm m Khoản 5 Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục công bố, công bố lại đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác cần tuân thủ theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CPThông tư 48/2012/TT-BGTVT.

Chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục xem tại đây:

Công bố, công bố lại đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác