5. Đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia
Đơn vị vận tải có nhu cầu thực hiện khai thác tuyến cố định giữa Việt Nam và Campuchia thì trước hết phải thực hiện thủ tục Đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa vấn đề này theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 39/2015/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT như sau
1. Một số khái niệm
Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt) (khoản 3 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định (khoản 4 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phưong tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi (khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT thì xe vận tải hành khách là phương tiện thương mại.
Lưu ý:
Phương tiện thương mại phải được gắn thiết bị giám sát hành trình, có niên hạn sử dụng và có phù hiệu, biển hiệu theo quy định hiện hành (khoản 4 Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Phương tiện khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu phải chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết (khoản 5 Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT)
2. Đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia:
Đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô phải là Doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô và được cấp phép khai thác vận tải tuyến cố định (khoản 1 Điều 4 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 6. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn mà chưa có bến xe khách từ loại 1 đến loại 6 thì cho phép tuyến vận tải hành khách cố định được xuất phát và kết thúc tại bến xe dưới loại 6 (khoản 2 Điều 4 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Khoản 4 Điều 4 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải đảm bảo các yếu tố sau:
– Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
– Phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe;
– Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.
Phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia phải có lệnh vận chuyển. Lệnh vận chuyển cấp cho từng chuyến xe lượt đi và lượt về (trường hợp chuyến xe thực hiện trong nhiều ngày), cấp hàng ngày (trường hợp trong ngày thực hiện nhiều chuyến). Lệnh vận chuyển do doanh nghiệp, hợp tác xã tự in theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này. Lệnh vận chuyển phải được đánh số thứ tự theo năm để quản lý (khoản 5 Điều 18 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định hiện hành được đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia (khoản 1 Điều 18 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Văn bản chấp thuận khai thác tuyến có giá trị kể từ ngày ký và có thời hạn hiệu lực theo hiệu lực của Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia. Sau 60 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đưa phương tiện vào khai thác thì văn bản chấp thuận không còn hiệu lực. Văn bản chấp thuận khai thác tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này (khoản 4 Điều 18 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Lưu ý:
Tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia phải xuất phát và kết thúc (trên lãnh thổ Việt Nam) tại bến xe khách từ loại 01 đến loại 04 hoặc bến xe loại 05 thuộc địa bàn huyện nghèo theo quy định của Chính phủ (khoản 4 Điều 18 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Lưu ý chung:
Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT quy định thời gian và phạm vi hoạt động của phương tiện:
– Mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của Bên ký kết kia không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp quá thời hạn quy định mà có lý do chính đáng (thiên tai, tai nạn, hỏng không sửa chữa kịp) sẽ được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh.
– Phạm vi hoạt động: các phương tiện được phép hoạt động tại các tỉnh, thành phố của Bên ký kết kia và qua lại các cặp cửa khẩu theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
– Phương tiện không được phép vận tải hàng hóa hoặc hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Bên ký kết kia (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cho phép)
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Liên quan đến thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định, đơn vị khai thác có thể bị xử lý nếu thuộc các trường hợp sau:
– Khoản 3 Điều 16 nghị định 100/2019/NĐ-CP Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm hoặc có kích thước khoang chở hành lý (hầm xe) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
– Điểm l khoản 3 Điều 23 nghị định 100/2019/NĐ-CP 3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định;
– Điểm g khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi vi phạm điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này;
– Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5,000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô;
– Khoản 2 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe ô tô chở hành khách theo quy định;
+ Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt không có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai theo quy định;
+ Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không có hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông, thoát hiểm khi xảy ra sự cố trên xe theo quy định.
Kết luận: Việc thực hiện thủ tục đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia được thực hiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 39/2015/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia