6. Chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia
Trong thời gian khai thác tuyến vận tuyến vận tải hành khách bằng ô tô, một số đơn vị vận tải sẽ phát sinh các nhu cầu bổ sung, thay thế phương tiện và cần có chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giưa Việt Nam và Campuchia. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa các quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 39/2015/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT như sau:
1. Một số khái niệm
Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt) (khoản 3 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến với lịch trình, hành trình nhất định (khoản 4 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phưong tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi (khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT thì xe vận tải hành khách là phương tiện thương mại.
Lưu ý:
Phương tiện thương mại phải được gắn thiết bị giám sát hành trình, có niên hạn sử dụng và có phù hiệu, biển hiệu theo quy định hiện hành (khoản 4 Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Phương tiện khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu phải chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu theo quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết (khoản 5 Điều 4 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
2. Chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia
Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia được quyền bổ sung, thay thế phương tiện (khoản 1 Điều 19 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT).
Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT quy định khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu và lưu hành, phương tiện phải có các giấy tờ còn hiệu lực cùng bản dịch tiếng Anh hoặc bản dịch tiếng quốc gia của nước đến có chứng thực (trừ trường hợp giấy tờ được in song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Khơ-me hoặc tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng Khơ-me và tiếng Anh) để xuất trình các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và cơ quan chức năng khi được yêu cầu, cụ thể:
– Giấy đăng ký phương tiện;
– Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
– Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia;
– Danh sách hành khách (đối với phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định được quy định tại Phụ lục 1a ban hành kèm theo Thông tư này; đối với phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch được quy định tại Phụ lục 1b ban hành kèm theo Thông tư này). Riêng với vận tải hành khách theo tuyến cố định, danh sách hành khách phải có xác nhận của bến xe (đối với phía Campuchia nếu chưa có bến xe thì xác nhận của nơi đón trả khách). Danh sách hành khách không áp dụng đối với vận tải hành khách bằng xe taxi.
Lưu ý:
Thời gian và phạm vi hoạt động của phương tiện vận tải hành khách phải đúng theo quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT. Theo đó:
– Mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của Bên ký kết kia không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp quá thời hạn quy định mà có lý do chính đáng (thiên tai, tai nạn, hỏng không sửa chữa kịp) sẽ được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn xuất cảnh.
– Phạm vi hoạt động: các phương tiện được phép hoạt động tại các tỉnh, thành phố của Bên ký kết kia và qua lại các cặp cửa khẩu theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
– Phương tiện không được phép vận tải hàng hóa hoặc hành khách giữa hai điểm trong lãnh thổ của Bên ký kết kia (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cho phép).
Cơ quan có thẩm quyền: Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
Liên quan đến việc chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia có thể bị xử lý nếu có các hành vi vi phạm trong các trường hợp sau:
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách lắp thêm hoặc tháo bớt ghế, giường nằm hoặc có kích thước khoang chở hành lý (hầm xe) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 3 Điều 16 nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi vi phạm điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này (điểm g khoản 5 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5,000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô (khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường năm theo quy định (trừ xe buýt nội tỉnh) (khoản 4 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Kết luận: Đơn vị vận tải hành khách có nhu cầu và cần được chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến hành khách cố định bằng ô tô Việt Nam và Campuchia thực hiện các thủ tục theo quy định Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thông tư 39/2015/TT-BGTVT và Quyết định 52/QĐ-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Chấp thuận bổ sung, thay thế phương tiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Việt Nam và Campuchia