8. Cấp Giấy phép vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia
Cấp Giấy phép vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia là thủ tục hành chính do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thực hiện để nhận được Giấy phép từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư 39/2015/TT-BGTVT, Thông tư 47/2019/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm
Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. (khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
Vận tải đường bộ là hoạt động sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển người, hàng hóa trên đường bộ. (khoản 30 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008)
Quy định về giấy tờ của phương tiện vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia: Khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu và lưu hành, phương tiện phải có các giấy tờ còn hiệu lực cùng bản dịch tiếng Anh hoặc bản dịch tiếng quốc gia của nước đến có chứng thực (trừ trường hợp giấy tờ được in song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Khơ-me hoặc tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng Khơ-me và tiếng Anh) để xuất trình các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu và cơ quan chức năng khi được yêu cầu. (Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT)
2. Cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam– Campuchia
Cơ quan cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. (khoản 2 Điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT)
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề vận tải bằng xe ô tô (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định chưa cần phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô);
– Phương án kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 3 năm liên tiếp gần nhất được cơ quan tài chính địa phương hoặc đơn vị kiểm toán xác nhận;
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng của người điều hành vận tải và hợp đồng lao động với doanh nghiệp, hợp tác xã (trừ trường hợp người điều hành vận tải là một trong các chức danh sau: Giám đốc doanh nghiệp, Giám đốc hợp tác xã, Chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã, Chủ nhiệm hợp tác xã);
– Bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải hành khách (đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách).
Việc xử lý hồ sơ được quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT như sau:
– Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp 01 bộ hồ sơ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, sửa đổi, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo trực tiếp (đối với hồ sơ nộp trực tiếp) hoặc bằng văn bản các nội dung cần bổ sung, sửa đổi đến doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian tối đa không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ;
– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đúng quy định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp từ chối không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở của cơ quan cấp giấy phép, qua đường bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.
Thời hạn của Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia là 05 năm nhưng không quá thời hạn của Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. (khoản 5 Điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT)
Khi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia hết thời hạn, doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia theo quy định tại khoản 2 của Điều này. Trường hợp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia bị mất hoặc hư hỏng (trường hợp bị mất giấy phép phải nêu rõ lý do), doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia theo quy định tại điểm a khoản 2 của Điều này. Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia hết hạn hoặc hư hỏng nộp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia. (khoản 7 Điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT)
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn của Giấy phép và phải đăng ký thực hiện hạng chất lượng dịch vụ vận tải hành khách theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Thông tư này. (khoản 7 Điều 10 Thông tư 39/2015/TT-BGTVT)
Kết luận: Cấp Giấy phép vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia là thủ tục hành chính do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã thực hiện để nhận được Giấy phép từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Khi thực hiện thủ tục này, các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã cần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư 39/2015/TT-BGTVT, Thông tư 47/2019/TT-BGTVT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy phép vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia