9. Cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ

Posted on

Cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ là thủ tục hành chính do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để nhận được Giấy phép lưu hành xe. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, Quyết định 3929/QĐ-BGTVT.

1. Một số khái niệm cơ bản

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 46/2015/BGTVT:

Tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe gồm trọng lượng (khối lượng) bản thân xe cộng với trọng lượng (khối lượng) của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).

– Tải trọng trục xe là tổng trọng lượng của xe phân bố trên mỗi trục xe hoặc cụm trục xe.

– Kích thước tối đa cho phép của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là kích thước bao ngoài giới hạn về chiều rộng, chiều cao, chiều dài của xe kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) được phép tham gia giao thông trên đường bộ.

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 46/2015/BGTVT, tải trọng của đường bộ được quy định như sau:

– Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế.

– Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế tổng trọng lượng xe qua cầu theo quy định về báo hiệu đường bộ.

– Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế trọng lượng trên trục xe theo quy định về báo hiệu đường bộ.

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 46/2015/BGTVT, khổ giới hạn của đường bộ được quy định như sau:

– Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

– Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III và 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống.

– Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.

2. Xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích lưu hành trên đường bộ

2.1. Xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn

Xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn lưu hành trên đường bộ được quy định như sau iều 9 Thông tư 46/2015/BGTVT):

Xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ.

Xe quá khổ giới hạn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ, cụ thể như sau:

+ Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe;

+ Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;

+ Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).

Xe máy chuyên dùng có tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ hoặc kích thước bao ngoài vượt quá kích thước tối đa cho phép quy định tại khoản 2 Điều này khi tham gia giao thông trên đường bộ được coi là xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn.

2.2. Xe bánh xích

Xe bánh xích tham gia giao thông trên đường bộ phải thực hiện các biện pháp bắt buộc như lắp guốc xích, rải tấm đan, ghi thép hoặc biện pháp khác để bảo vệ mặt đường bộ. Trường hợp không thực hiện các biện pháp bắt buộc nêu trên, xe bánh xích phải được chở trên các phương tiện vận tải khác Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 46/2015/BGTVT).

2.3. Lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 46/2015/BGTVT:

– Việc lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thôngan toàn cho công trình đường bộ.

– Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, người vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ phải thực hiện các quy định sau:

+ Có Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành xe.

Lưu ý:

– Xe chở hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe không được phép lưu hành trên đường bộ (khoản 3 Điều 11 Thông tư 46/2015/BGTVT).

3. Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ

3.1. Quy định về hàng siêu trường, siêu trọng

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 46/2015/BGTVT:

– Hàng siêu trường là hàng không thể tháo rời, khi xếp lên phương tiện vận chuyển có một trong các kích thước bao ngoài (của tổ hợp phương tiện và hàng hóa xếp trên phương tiện) như sau:

+ Chiều dài lớn hơn 20,0 mét;

+ Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;

+ Chiều cao tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên lớn hơn 4,2 mét; đối với xe chở container lớn hơn 4,35 mét.

– Hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có trọng lượng lớn hơn 32 tấn.

3.2. Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.

3.2.1. Khái niệm

Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng là phương tiện có kích thước, tải trọng phù hợp với loại hàng hóa vận chuyển; đồng thời phù hợp với các thông số ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe (khoản 1 Điều 13 Thông tư 46/2015/BGTVT).

Lưu ý:

– Trường hợp các rơ moóc kiểu module có tính năng ghép nối được với nhau sử dụng để chở hàng siêu trường, siêu trọng, cơ quan đăng kiểm xác nhận vào Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe với nội dung: “Được phép ghép nối các module với nhau và phải có Giấy phép lưu hành xe do cơ quan có thẩm quyền cấp phép (khoản 2 Điều 13 Thông tư 46/2015/BGTVT).

3.2.2. Lưu hành phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ

– Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ phải thực hiện theo các quy định tại Điều 11 của Thông tư này (khoản 1 Điều 14 Thông tư 46/2015/BGTVT).

– Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi lưu thông trên đường bộ phải tuân thủ các điều kiện quy định ghi trong Giấy phép lưu hành xe; đồng thời tuân thủ chỉ dẫn của người điều hành hỗ trợ dẫn đường, hộ tống (nếu có) (khoản 2 Điều 14 Thông tư 46/2015/BGTVT).

Lưu ý:

Các trường hợp phải có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống (khoản 3 Điều 14 Thông tư 46/2015/BGTVT):

+ Khi xếp hàng hóa lên phương tiện vận chuyển có một trong các kích thước bao ngoài (của tổ hợp phương tiện và hàng hóa xếp trên phương tiện) như sau: chiều rộng lớn hơn 3,5 mét; chiều dài lớn hơn 20 mét;

+ Tại vị trí công trình phải gia cường đường bộ.

– Các trường hợp phải khảo sát đường bộ (khoản 4 Điều 14 Thông tư 46/2015/BGTVT):

+ Khi xếp hàng lên phương tiện có một trong các kích thước bao ngoài như sau: chiều rộng lớn hơn 3,75 mét hoặc chiều cao lớn hơn 4,75 mét hoặc chiều dài lớn hơn 20 mét đối với đường cấp IV trở xuống hoặc lớn hơn 30 mét đối với đường cấp III trở lên;

+ Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá khả năng khai thác của đường bộ.

4. Cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

4.1. Quy định chung về cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

4.1.1. Chỉ cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng (sau đây gọi là Giấy phép lưu hành xe) trên đường bộ trong những trường hợp đặc biệt, khi không còn phương án vận chuyển nào khác hoặc không thể sử dụng chủng loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác phù hợp để vận chuyển trên đường bộ (khoản 1 Điều 20 Thông tư 46/2015/BGTVT)

4.1.2. Cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe (khoản 2 Điều 20 Thông tư 46/2015/BGTVT):

– Lựa chọn tuyến đường hợp lý trên cơ sở bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình đường bộ;

– Không cấp Giấy phép lưu hành xe trong trường hợp chở hàng hóa vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc vượt quá khối lượng hàng hóa cho phép của xe sau khi thiết kế cải tạo đã được phê duyệt và được ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe;

– Khi cho phép lưu hành trên đường cao tốc, phải quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông như tốc độ, làn xe chạy và thời gian được phép lưu hành trong Giấy phép lưu hành xe.

Lưu ý:

– Đối với trường hợp lưu hành xe vượt quá khả năng khai thác của đường bộ mà phải khảo sát, kiểm định hoặc gia cường đường bộ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu lưu hành xe phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ các khoản chi phí có liên quan. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp Giấy phép lưu hành xe sau khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành các công việc nêu trên (khoản 3 Điều 20 Thông tư 46/2015/BGTVT).

4.2. Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép lưu hành xe 

Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép lưu hành xe (khoản 4 Điều 20 Thông tư 46/2015/BGTVT và Điều 1 Quyết định 3929/QĐ-BGTVT):

– Các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn khi lưu hành không phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cường đường bộ: trường hợp lưu hành trên đường bộ, đoạn đường bộ đã được cải tạo, nâng cấp đồng bộ thì thời hạn của Giấy phép lưu hành xe không quá 60 ngày;trường hợp lưu hành trên đường bộ, đoạn đường bộ đã được cải tạo, nâng cấp đồng bộ thì thời hạn của Giấy phép lưu hành xe không quá 90 ngày

– Các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe hỗ trợ dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cường đường bộ: thời hạn của Giấy phép lưu hành xe không quá 30 ngày.

– Các xe bánh xích tự di chuyển trên đường bộ: thời hạn của Giấy phép lưu hành xe là thời gian từng lượt từ nơi đi đến nơi đến.

Lưu ý:

– Thời hạn hiệu lực của Giấy phép lưu hành xe quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này phải nằm trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; trường hợp thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ngắn hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b, c khoản này, thời hạn hiệu lực của Giấy phép lưu hành xe bằng thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe (điểm d khoản 4 Điều 20 Thông tư 46/2015/BGTVT).

5. Thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành xe

5.1. Thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành xe

Thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành xe được quy định như sau (Điều 22 Thông tư 46/2015/BGTVT):

– Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cấp Giấy phép lưu hành xe trên mạng lưới đường bộ trong phạm vi cả nước.

– Trường hợp đặc biệt phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình năng lượng, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

5.2. Trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe

Trách nhiệm của cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe được quy định như sau (Điều 23 Thông tư 46/2015/BGTVT):

– Cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp Giấy phép lưu hành xe bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp với tình trạng của đường bộ, phương tiện vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

– Có quyền thu hồi Giấy phép lưu hành xe đối với trường hợp vi phạm các điều kiện được quy định trong Giấy phép lưu hành xe hoặc gây hư hỏng công trình đường bộ mà chưa hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục.

– Hướng dẫn tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển lựa chọn tuyến đường vận chuyển hợp lý nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đường bộ và an toàn cho phương tiện vận tải.

– Cung cấp hiện trạng của đường bộ trên tuyến vận chuyển theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc của cơ quan cấp Giấy phép lưu hành xe có liên quan.

– Thu và sử dụng lệ phí cấp Giấy phép lưu hành xe theo quy định của Bộ Tài chính.

Kết luận: Cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ là thủ tục hành chính do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để nhận được Giấy phép lưu hành xe. Khi thực hiện thủ tục này, các tổ chức hoặc cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, Quyết định 3929/QĐ-BGTVT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ